Các phương pháp, nguyên tắc huấn luyện bóng đá chuẩn nhất

Các phương pháp, nguyên tắc huấn luyện bóng đá chuẩn nhất

PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN BÓNG ĐÁ

I. CÁC NGUYÊN TẮC HUẤN LUYỆN.

Huấn luyện bóng đá phải tuân thủ các nguyên tắc trong giảng dạy bóng đá đồng thời phải tuân thủ các nguyên tắc chuyên biệt trong tổ chức và tiến hành tập luyện bóng đá.

1. Nguyên tắc hướng đến thành tích cao và chuyên môn hóa sâu.

Nguyên tắc này thể hiện mục tiêu của thể thao là đạt thành tích cao nhất. Nguyên tắc này đòi hỏi các yếu tố huấn luyện phải tập trung hướng đến mục tiêu này (tính mục đích, kế hoạch huấn luyện, phương pháp và phương tiện huấn luyện, lượng vận động, tuyển chọn, dinh dưỡng…). Một trong những yếu tố để đạt thành tích cao cần có thời gian tập luyện lâu dài và chuyên môn hóa sâu. Chuyên môn hóa sâu giúp người tập tập trung được cao độ cho việc tập luyện và phát huy hết khả năng của mình trong môn thể thao hoặc vị trí nào đó trong môn thể thao lựa chọn.

2. Nguyên tắc thống nhất giữa huấn luyện chung và huấn luyện chuyên môn.

Nguyên tắc này nhằm thực hiện nhiệm vụ chung của TDTT là củng cố sức khỏe, nâng cao khả năng làm việc của con người. Cơ thể là một khối thống nhất sự phát triển kém của cơ quan này sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ quan khác và ngược lại, đồng thời các kỹ năng kỹ xảo có sự tác động tương hỗ với nhau, vốn kỹ năng kỹ xảo thu được trong huấn luyện chung càng lớn sẽ tạo điều kiện tốt để nâng cao hiệu quả của huấn luyện chuyên môn. Mặt khác mỗi môn thể thao đều có những đòi hỏi riêng biệt do vậy cần phải tập trung vào tập luyện mới mong đạt được thành tích cao. Do đó cần phải có sự phối hợp thống nhất giữa huấn luyện chung và huấn luyện chuyên môn, huấn luyện chung phải dựa trên đặc điểm môn chuyên môn còn huấn luyện chuyên môn phải dựa trên các tiền đề do huấn luyện chung mang lại. Tỷ lệ giữa huấn luyện chung và chuyên môn phụ thuộc vào giai đoạn và chu kỳ huấn luyện, vào trình độ của vận động viên.

3. Nguyên tắc thường xuyên liên tục.

Nguyên tắc này đỏi hỏi tập luyện phải được tiến hành có hệ thống, thường xuyên và liên tục. Mỗi buổi tập, mỗi bài tập đều có tác động nhất định đến cơ thể nằm trong kế hoạch huấn luyện chung do đó tập luyện không liên tục sẽ làm ảnh hưởng xấu đến kết quả huấn luyện. Nội dung của nguyên tắc này là : phải tập luyện đều đặn, phải bố trí hợp lý giữa cường độ và khối lượng tập luyện và giữa tập luyện và nghỉ ngơi hồi phục.

4. Nguyên tắc chu kỳ.

Nguyên tắc này phản ánh quy luật của cơ thể sống đó là chu kỳ sinh học, quy luật hình thành và duy trì trạng thái thể thao. Để đáp ứng quy luật này cần phải chia quá trình huấn luyện thành các chu kỳ, các chu kỳ này là sự lặp lại có hệ thống những yếu tố cơ bản nhưng với khuynh hướng chung là nâng cao yêu cầu dựa trên trình độ tập luyện của người tập. Trong thể thao có 3 loại chu kỳ : Chu kỳ lớn (nhiều năm), chu kỳ trung bình (năm, nửa năm), chu kỳ nhỏ (tuần). Nhiệm vụ, yêu cầu và nội dung của mỗi chu kỳ phụ thuộc vào giai đoạn, nhiệm vụ và điều kiện huấn luyện, trình độ vận động viên.

5. Nguyên tắc tăng dần và tăng đến tối đa lượng vận động.

Để đạt được thành tích thể thao thì lượng vận động là một trong những yếu tố quyết định, lượng vận động phải được tăng dần và tăng đến mức tối đa. Chỉ có sử dụng lượng vận động lớn mới có thể tăng cường khả năng chức năng và năng lực vận động của người tập. Tuy nhiên việc tăng lượng vận động và tăng đến tối đa phải được tiến hành theo nguyên tắc tăng dần và phải phù hợp với trình độ người tập. Để đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc này cần chú ý thực hiện tốt các nguyên tắc huấn luyện, đảm bảo dinh dưỡng và hồi phục, tiến hành kiểm tra y học – sư phạm một cách có hệ thống.

6. Nguyên tắc làn sóng của việc áp dụng lượng vận động.

Nguyên tắc này phản ánh các quy luật mệt mỏi và hồi phục sau lượng vận động, quy luật của quá trình thích nghi dưới tác động của tập luyện, quy luật của mối quan hệ khối lượng vận động và cường độ vận động trong việc tăng lượng vận động tập luyện. Tuân thủ nguyên tắc này giúp cho việc tăng lượng vận động huấn luyện đạt hiệu quả cao và tránh được những ảnh hưởng xấu đến cơ thể người tập. Nguyên tắc làm sóng trong sử dụng lượng vận động được áp dụng trong cạc chu kỳ tập luyện và huấn luyện thể thao. Tăng theo làn sóng tức là các thành phần của lượng vận động được tăng lên và giảm xuống theo chu kỳ tập luyện.

Trên đây là các nguyên tắc trong huấn luyện thể thao, các nguyên tắc này quan hệ rất chặt chẽ với nhau và trong quá trình huấn luyện phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc này.

II. CÁC PHƯƠNG TIỆN HUẤN LUYỆN.

  Các bài tập là phương tiện chủ yếu trong huấn luyện thể thao. Các bài tập này rất đa dạng và được ứng dụng vào các mục đích khác nhau. Chúng ta có thể phân một cách tương đối các bài tập thành 4 nhóm sau : bài tập huấn luyện chung, bài tập huấn luyện chuyên môn, bài tập bổ trợ và bài tập thi đấu.

1. Bài tập huấn luyện chung.

Các bài tập huấn luyện chung nhằm phát triển toàn diện các cơ quan chức năng của người tập tạo tiền đề cho huấn luyện chuyên môn. Các bài tập huấn luyện chung còn có tác dụng giúp cho quá trình hồi phục và duy trì năng lực hoạt động chung. Các bài tập huấn luyện chung rất đa dạng nó có thể mang đặc điểm của bóng đá nhưng cũng có thể chỉ là những bài tập phát triển chung. Tuy nhiên, cũng nên sử dụng nhiều các bài tập có xu hướng gần với bóng đá. Trong bóng đá có thể sử dụng rất nhiều môn thể thao khác để làm bài tập huấn luyện chung như : điền kinh (chạy, nhảy), thể dục dụng cụ (xà đơn, xà kép, nhào lộn…), bóng rổ, bóng chuyền…

2. Các bài tập huấn luyện chuyên môn.

Các bài tập chuyên môn có vị trí rất quan trọng, có thể nói là chiếm vị trí chủ yếu, trong huấn luyện. Các bài tập huấn luyện chuyên môn có tác động trực tiếp đến thành tích môn thể thao lựa chọn. Các bài tập chuyên môn là những thành phần của bóng đá (các kỹ thuật đá, các chiến thuật…), hoặc những bài tập gần với hoạt động trong bóng đá về các mặt cấu trúc hoặc hình thức, về sự thể hiện các tốt chất vận động cũng như yêu cầu đối với các hệ thống chức năng.

Vì các bài tập huấn luyện chuyên môn trong bóng đá rất đa dạng nên có thể phân các bài tập chuyên môn làm 3 loại : Các bài tập chuyên môn, các bài tập dẫn dắt, các bài tập trò chơi. Các bài tập chuyên môn có tác động trực tiếp đến sự phát triển các tố chất, kỹ chiến thuật chơi (các bài tập sút cầu môn, bài tập tấn công biên, các bài tập xuất phát từ các tư thế khác nhau…). Các bài tập dẫn dắt có tác dụng hỗ trợ cho việc tiếp thu kỹ thuật bóng đá (các bài tập bật nhẩy, các bài tập ngã, các bài tập duỗi mu bàn chân…). Các bài tập trò chơi có tác dụng củng cố kỹ chiến thuật, làm quen với việc xử lý tình huống hoặc các điều kiện không thuận lợi (các bài tập 3 x 2 ; 4 x 2 ; chơi bóng chuyền bằng chân…).

3. Các bài tập bổ trợ.

 Các bài tập bổ trợ tạo điều kiện để hoàn thiện môn thể thao lựa chọn. Các bài tập bổ trợ thường được sử dụng trong bóng đá như : Các bài tập trên dụng cụ tập luyện (các máy tập), các môn thể thao (bóng rổ, điền kinh, bơi lội…).

4. Các bài tập thi đấu.

Các bài tập thi đấu đòi hỏi phải thực hiện một cách liên hợp các yếu tố nên có tác động tổng hợp vì vậy giúp cho việc hoàn thiện kỹ chiến thuật, thể lực và tâm lý.

Trong huấn luyện thể thao nói chung và bóng đá nói riêng để đạt hiệu quả cao cần phải sử dụng tổ hợp các loại bài tập một cách hợp lý trên cơ sở nhiệm vụ của các giai đoạn và chu kỳ huấn luyện.

Các bài tập thi đấu có hai loại : Các bài tập kỹ chiến thuật và thể lực mang tính chất thi đấu và các cuộc thi đấu. Các bài tập thi đấu được sử dụng rộng rãi trong quá trình huấn luyện. Các cuộc thi đấu thường tiến hành trước và trong thời kỳ thi đấu. Người ta phân các cuộc thi đấu thành ba hình thức : thi đấu kiểm tra, thi đấu chuẩn bị, thi đấu chính thức. tùy theo mục đích nhiệm vụ huấn luyện mà sử dụng thi đấu kiểm tra hay chuẩn bị.

III. CÁC PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN BÓNG ĐÁ.

Trong huấn luyện bóng đá phải chú ý rèn luyện hai nội dung cơ bản là giáo dục đạo đức ý chí và rèn luyện kỹ chiến thuật và thể lực.

Các phương pháp huấn luyện kỹ chiến thuật và thể lực có thể chia làm 3 nhóm cơ bản :

Nhóm phương pháp dùng lời nói, nhóm phương pháp trực quan, nhóm phương pháp bài tập.

Các phương pháp dùng lời nói và trực quan đã được trình bày ở phần giảng dạy bóng đá, trong phần này chỉ trình bày các phương pháp bài tập.

Nhóm phương pháp bài tập giữ vai trò rất quan trọng trong huấn luyện thể thao. Lượng vận động trong nhóm các phương pháp bài tập được sử dụng có thể liên tục hoặc ngắt quãng. Nhóm này bao gồm các phương pháp sau : Đồng đều, biến đổi, lặp lại, quãng cách, phương pháp tập luyện vòng tròn, phương pháp trò chơi và phương pháp thi đấu và phương pháp sử dụng thiết bị.

1. Phương pháp đồng đều (ổn định liên tục).

Trong phương pháp này bài tập được thực hiện không có quãng nghỉ. Phương pháp này chủ yếu nhằm phát triển sức bền.

2. Phương pháp biến đổi.

Trong phương pháp này lượng vận động cũng như các yếu tố cơ bản tác động đến nội dung tập luyện có sự biến đổi (yêu cầu thực hiện, khối lượng, cường độ…). Phương pháp này được sử dụng để củng cố và hoàn thiện kỹ chiến thuật, phát triển các tố chất thể lực (sức bền tốc độ, khéo léo…).

3. Phương pháp lặp lại.

Trong phương pháp này lượng vận động cũng như các yếu tố cơ bản tác động đến nội dung tập luyện được lặp lại một cách ổn định hoặc có biến đổi. Phương pháp này được sử dụng để huấn luyện kỹ chiến thuật, phát triển các tố chất thể lực như : tốc độ, sức mạnh, sức bền…

4. Phương pháp quãng cách.

Trong phương pháp này các quãng nghỉ được quy định chặt chẽ. Phương pháp này chủ yếu nhằm huấn luyện sức bền tốc độ.

5. Phương pháp tập luyện vòng tròn.

Trong phương pháp này các bài tập khác nhau được tổ hợp lại thành bài tập liên hoàn nhằm tác động tổng hợp lên người tập.

6. Phương pháp trò chơi.

Phương pháp trò chơi được sử dụng trong huấn luyện ban đầu và chủ yếu nhằm hoàn thiện kỹ chiến thuật, nâng cao thể lực, phát huy tính sáng tạo cho cầu thủ. Các bài tập trò chơi có thể là các môn thể thao cụ thể nào đó hoặc là những bài tập ganh đua gây hứng phấn hoặc các trò chơi vận động.

7. Phương pháp thi đấu.

 Phương pháp thi đấu là một trong những phương pháp hiệu quả nhất tác động toàn diện đến cầu thủ nhằm hoàn thiện kỹ chiến thuật, thể lực, tâm lý, ý chí, tính sáng tạo. Đây là bài tập đòi hỏi cầu thủ phải thực hiện chuẩn nhất về mọi mặt. Phương pháp này gồm các cuộc thi đấu tập, thi đấu nội bộ, thi đấu giao hữu.

8. Phương pháp sử dụng thiết bị tập luyện.

Thiết bị tập luyện làm tăng mức độ tác động đến người tập về kỹ chiến thuật cũng như thể lực như : máy tập, thông tin định hướng, mang vật nặng khi thực hiện động tác, bóng nặng…

Các phương pháp giáo dục đạo đức ý chí. Trong huấn luyện thể thao thường sử dụng rất nhiều các phương pháp giáo dục đạo đức ý chí, các phương pháp này được sử dụng tùy theo đặc điểm môn thể thao mà lựa chọn. Một số phương pháp sau thường được sử dụng.

* Phương pháp lời nói. Sử dụng lời nói để giáo dục, giảng giải, giải thích, thuyết phục khuyên nhủ để từ đó có thể hình thành những thói quen, phẩm chất tốt.

* Phương pháp nêu gương. Đây là phương pháp tốt trong giáo dục cầu thủ trẻ. phương pháp này dùng gương những nhân vật nổi tiếng, những cầu thủ nổi tiếng hoặc sự gương mẫu của huấn luyện viên để giáo dục cầu thủ.

* Phương pháp động viên khuyến khích. Động viên khuyến khích, khen thưởng kịp thời cũng có tác động tích cực đến cầu thủ. Trong phương pháp này có thể sử dụng các lời khen, giấy khen, giải thưởng…

* Phương pháp hoạt động nhóm. Trong các môn tập thể ý thức đồng đội có ý nghĩa rất lớn, đưa cầu thủ vào các sinh hoạt tập thể, các hoạt động xã hội giúp cho hình thành nhân cách tốt.

* Phương pháp tự thực hiện các nhiệm vụ. Giao các nhiệm vụ khác nhau để cầu thủ tự thực hiện làm cho cầu thủ có ý thức tự giác, tính kỷ luật, tính sáng tạo, lòng tự tin…

IV. CÁC GIAI ĐOẠN TRONG QUÁ TRÌNH HUẤN LUYỆN.

Quá trình huấn luyện cầu thủ được chia làm các giai đoạn sau : Huấn luyện ban đầu, huấn luyện cơ bản, chuyên môn hóa, giai đoạn đạt thành tích cao và duy trì thành tích.

1. Giai đoạn huấn luyện ban đầu.

Nhiệm vụ của giai đoạn này là : Củng cố sức khỏe, huấn luyện thể lực toàn diện, khắc phục những yếu kém của phát triển thể chất, tạo vốn kỹ năng vận động, trang bị kỹ thuật cơ bản và tuyển chọn cho giai đoạn sau.

Giai đoạn này bắt đầu từ 9 – 10 tuổi và kéo dài khoảng 4 – 5 năm tùy theo đặc điểm người tập và tuổi bắt đầu tập.

Nội dung huấn luyện trong giai đoạn này chủ yếu là : Huấn luyện thể lực chung nhằm phát triển toàn diện các tố chất thể lực, các bài tập làm quen với bóng và những kỹ chiến thuật cơ bản. Trong giai đoạn này huấn luyện thể lực chung chiếm 50 – 60 % thời gian. Đến cuối giai đoạn này vào lứa tuổi 14 – 15 thì tỷ trọng huấn luyện thể lực chung và kỹ chiến thuật có thể là 50 – 50. Đối với lứa tuổi trước 13 – 14 đặc biệt chú ý phát triển tố chất tốc độ, khéo léo và độ dẻo, sức bền chung cũng được chú ý. Đối với huấn luyện kỹ thuật phải tạo cho người tập có được vốn kỹ thuật lớn, chú ý luyện tập đều hai chân. Đối với chiến thuật trong giai đoạn này chú ý đến hành động chiến thuật cá nhân và phát huy khả năng sáng tạo của người tập.

Các bài tập được sử dụng đa dạng : Các bài tập huấn luyện chung, các bài tập trò chơi vận động, làm quen với các môn thể thao khác (điền kinh chạy cự lý ngắn, thể dục nhào lộn, bóng ném, bóng rổ, xe đạp…), các bài tập bổ trợ, các bài tập trò chơi, các bài tập kỹ chiến thuật.

Trong giai đoạn này các phương pháp được sử dụng rất đa dạng nhưng cần chú ý đến đặc điểm lứa tuổi : Phương pháp lời nói, phương pháp trực quan, phương pháp trò chơi học tập, phương pháp lặp lại (chú ý quãng nghỉ tương đối để đảm bảo hồi phục và tránh nhàm chán). Trong giai đoạn này cũng cần có những buổi nói chuyện về phương pháp tập luyện, vệ sinh trong tập luyện, về đạo đức thể thao.

Về chế độ tập luyện trong giai đoạn này thường tiến hành 2 – 3 buổi tập một tuần, mỗi buổi tập khoảng 60 phút, vào cuối giai đoạn thì số lượng buổi tập và thời gian của mỗi buổi tập sẽ được tăng lên (4 – 5 buổi, 90 phút). Chú ý không sử dụng lượng vận động gây áp lực lớn về thể lực và tâm lý.

Trong giai đoạn này cần thường xuyên kiểm tra y học và sư phạm để có những điều chỉnh kịp thời trong huấn luyện và đánh giá đúng năng lực của người tập, cũng cần chú ý sự phối hợp với nhà trường để đảm bảo quá trình học tập.

2. Giai đoạn huấn luyện cơ bản.

Nhiệm vụ của giai đoạn này là : Phát triển toàn diện năng lực vận động của các cơ quan trong cơ thể, tạo tiền đề về năng lực vận động để tiếp thu các kỹ năng, kỹ xảo vận động chuyên môn, trang bị kiến thức chuyên môn, huấn luyện kỹ thuật tạo vốn kỹ thuật lớn, nắm được những chiến thuật cơ bản, hình thành hứng thú bền vững với bóng đá.

Giai đoạn này kéo dài khoảng 3 – 4 năm. Trong giai đoạn này tham gia tập luyện là các em có lứa tuổi 14 – 17 tuổi, đây là lứa tuổi có sự phát triển nhanh về mọi mặt và có khả năng chịu được lượng vận động khá lớn.

Nội dung huấn luyện : Song song với phát triển thể lực toàn diện cần đi sâu dần vào việc huấn luyện mang tính chuyên môn hóa, huấn luyện kỹ chiến thuật nhằm tạo vốn kỹ năng, kỹ xảo phong phú. Giai đoạn này vận động viên đã có thể chịu đựng được lượng vận động lớn và tiếp thu được các kỹ chiến thuật phức tạp. Do vậy tỷ lệ giữa huấn luyện thể lực và kỹ chiến thuật thường là 50 – 50, đến cuối giai đoạn huấn luyện kỹ chiến thuật thì tỷ lệ đó sẽ được tăng lên đến 55 %. Đối với lứa tuổi này cần chú trọng phát triển đầy đủ các tố chất như : sức mạnh, sức mạnh tốc độ, sức bền, sức bền tốc độ, khả năng phối hợp vận động. Đồng thời phải trang bị cho các cầu thủ trẻ hiểu và nắm vững cũng như thực hiện tương đối tốt kỹ thuật động tác, những hành động chiến thuật cá nhân và những miếng chiến thuật cơ bản trong hành động nhóm và toàn đội, có tư duy sáng tạo trong các điều kiện khó khăn và phức tạp.

Trong giai đoạn này hầu hết các loại bài tập và các phương pháp được sử dụng, trong huấn luyện cần tránh sử dụng các loại bài tập có khối lượng và cường độ lớn quãng nghỉ ngắn, các cuộc thi đấu quan trọng. Các bài tập thường được sử dụng là : Chạy tốc độ cao, các bài tập nhảy, các bài tập ném đẩy, cử tạ, các bài tập mang vác hoặc kéo vật nặng. Cần chú ý nhiều đến sức mạnh động vì sức mạnh tuyệt đối có thể ảnh hưởng đến biên độ và sức nhanh động tác. Ngoài ra cũng cần phải có những buổi lên lớp để giảng giải, phân tích về kỹ chiến thuật, các phương pháp tự tập luyện.

Về chế độ tập luyện, số lượng buổi tập được tăng lên có thể cả tuần, thời gian mỗi buổi tập khoảng 90 phút và tăng dần đến 120 – 150 phút vào cuối giai đoạn.

3. Giai đoạn huấn luyện chuyên môn hóa.

Nhiệm vụ của giai đoạn này : Phần đầu của giai đoạn này vẫn mang tính chất huấn luyện chung và bổ trợ, giai đoạn sau mang tính chuyên môn hóa cao, phân chia vị trí. Trong giai đoạn này còn phải giúp cho vận động viên có được vốn kỹ chiến thuật lớn và tương đối hoàn thiện, có thể chịu được lượng vận động chuyên môn lớn, khả năng hồi phục sau vận động cao.

Giai đoạn này thường duy trì và kéo dài khoảng 4 năm, lứa tuổi khoảng 16 đến 20 tuổi.

Nội dung huấn luyện : Huấn luyện thể lực chuyên môn, huấn luyện kỹ chiến thuật và huấn luyện bổ trợ.

Trong giai đoạn này các bài tập sử dụng thường được kết hợp giữa bài tập kỹ chiến thuật với các bài tập phát triển thể lực, các bài tập phát triển sức bền chung được sử dụng. Các bài tập này được thực hiện với khối lượng lớn, cường độ tăng dần đồng thời cũng cần phải kết hợp tăng dần với các bài tập chuyên môn mang nhiều yếu tố thi đấu về cuối giai đoạn.

Trong giai đoạn này các phương pháp đều được sử dụng, phương pháp bài tập chiếm vị trí chủ đạo, phương pháp thi đấu cũng được chú trọng. Vận động viên có thể tập luyện suốt tuần, số buổi tập trong ngày cũng tăng lên 2 buổi ngày, thời gian tập luyện trong ngày khoảng 150 – 180 phút.

4. Giai đoạn đạt thành tích cao và duy trì thành tích.

Nhiệm vụ của giai đoạn này là huấn luyện nhằm hoàn thiện kỹ chiến thuật và thể lực giúp cho vận động viên có thể đạt được thành tích cao nhất trong thi đấu và duy trì thành tích đó.

Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 10 – 15 năm nhưng cũng còn tùy theo cá nhân từng cầu thủ và vị trí trong đội hình. Trong bóng đá lứa tuổi đạt thành tích tốt nhất thường là từ 23 đến 30 tuổi.

Giai đoạn này phương pháp bài tập giữ vai trò chủ yếu, các bài tập mang tính chất hoàn thiện kỹ chiến thuật, thể lực và chuẩn bị cho thi đấu, ngoài ra các bài tập hồi phục cũng cần được chú ý.

Trong giai đoạn này khuynh hướng huấn luyện chủ yếu là huấn luyện chuyên môn hóa và chuyên môn hóa sâu, lượng vận động chú ý nhiều đến cường độ với thời gian ngắn. Số buổi tập trung bình là 2 buổi/ngày với thời gian trung bình là 120 – 150 phút buổi. Trong giai đoạn này chú ý nhiều hơn đến các bài tập và biện pháp hồi phục. Cấu trúc quá trình huấn luyện trong giai đoạn này (kế hoạch huấn luyện, chu kỳ huấn luyện, lượng vận động…) phụ thuộc vào hệ thống các giải thi đấu trong và ngoài nước trong năm. Trong năm có nhiều giải thi đấu khác nhau và thời gian tiến hành giải gần như suốt năm, số trận đấu trong năm có thể tới 40 – 50 trận và hơn nữa, việc duy trì trạng thái thể thao cao trong bóng đá là rất khó khăn do đó cần phải có kế hoạch chi tiết và cụ thể.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*