Nhằm giúp các HLV, cầu thủ hiểu nhiệm vụ cụ thể của mình trong khi thi đấu:
2.1 Các vị trí trong đội hình chiến thuật.
Trong đội hình chiến thuật các cầu thủ được bố trí theo các tuyến và các vị trí, tên gọi các tuyến các vị trí được xác định theo nhiệm vụ trong thi đấu.
Các tuyến trong đội hình có: thủ môn, hậu vệ, tiền vệ và tiền đạo.
Tên gọi chung nhất các vị trí ở các tuyến trong đội hình có:
– Tuyến hậu vệ: Hậu vệ biên, trung vệ.
– Tuyến tiền vệ: Tiền vệ.
– Tuyến tiền đạo: Tiền đạo biên, hộ công và trung phong.
Các vị trí và tên gọi các vị trí đó trong đội hình phụ thuộc vào đội hình được lựa chọn và nhiệm vụ cụ thể được giao. Do đó đi cùng với tên chung thường gắn thêm tên gọi các nhiệm vụ như: trung vệ thòng, tiền vệ công, tiền vệ trụ, trung phong cắm, trung phong lùi… Cũng có những vị trí ngày nay ít được dùng như “hộ công”.
2.2 Thủ môn.
Thủ môn là người bảo vệ cầu môn đây là tuyến phòng ngự cuối cùng của đội. Nhiệm vụ của thủ môn là: bắt bóng và phá bóng không để bóng lọt vào cầu môn, chỉ đạo phòng thủ và phát động tấn công.
Thủ môn là cầu thủ phải có óc phán đoán tốt và phản xạ nhanh, hành động quyết đoán, dũng cảm, có thể hình tốt và thể lực tốt.
Trong công tác chỉ đạo thi đấu thủ môn có vị trí rất quan trọng và là một trong những chức năng của thủ môn. Thủ môn có khả năng chỉ huy, chỉ đạo trận đấu tốt là một lợi thế rất lớn.
Với vị trí trong đội hình, thủ môn có thể quan sát toàn bộ tình hình trên sân, có thể liên hệ trực tiếp với đồng đội và đưa ra những chỉ dẫn cần thiết tức thời – đặc biệt là trong phòng thủ, có điều kiện để tiếp thu sự chỉ đạo của huấn luyện viên.
Khi chỉ đạo, thủ môn cần coi trọng đồng đội của mình và đối phương, lời chỉ đạo và yêu cầu phải cụ thể, dễ hiểu và dứt khoát. Thông thường thủ môn chỉ đạo phòng thủ trong các tình huống đá phạt, chỉ ra những sơ hở của hàng phòng thủ, những cầu thủ đối phương bỏ lỏng, những điểm yếu trong đội hình của đối phương.
2.3 Hậu vệ biên.
Hậu vệ biên là cầu thủ phòng thủ khu vực biên – đây là nhiệm vụ mang tính cổ điển của hậu vệ biên. Ngày nay nhiệm vụ của hậu vệ biên đã được mở rộng, các hậu vệ biên còn có nhiệm vụ tổ chức và tham gia tấn công với tư cách như là một hậu vệ biên.
Hậu vệ biên là cầu thủ có tốc độ tốt, xoay trở nhanh, kỹ thuật tranh bóng tốt đồng thời cũng phải tranh bóng tốt.
Trong phòng thủ hậu vệ biên phải kèm chặt cầu thủ đối phương ở khu vực biên. Khi đối phương có bóng không cho đối phương dẫn bóng vào phía cầu môn, trong trường hợp này tranh cướp được bóng thì tốt, nếu không phải buộc đối phương di chuyển dọc xuống đường biên ngang, càng ép đối phương ra đường biên dọc càng tốt, đồng thời cố gắng ngăn cản không cho đối phương có cơ hội tạt bóng vào kkhu vực cầu môn. Khi đối phương không có bóng mà bóng ở phía biên bên kia thì không cần kèm sát mà nên di chuyển và trong gần khu 16m50 để hỗ trợ đồng đội phòng thủ nhưng phải sẵn sàng cản phá quả lật cánh của đối phương sang phía biên của mình.
Hậu vệ biên phải phối hợp bọc lót chặt chẽ với trung vệ và tiền vệ để bảo vệ khu vực của mình. Không được để đối phương lợi dụng khe hở giữa trung vệ và hậu vệ biên.
Trong khi đội mình khống chế bóng và khu vực của đối phương có khoảng trống thì hậu vệ biên có thể lên tham gia làm tăng thêm lực lượng tấn công, lúc này hậu vệ biên thực hiện nhiệm vụ của tiền vệ và tiền đạo biên. Khi tham gia tấn công công cần tính toán để không bị khoảng trống ở phía sau và khẩn trương trở về khu vực phòng thủ của mình. Khi cướp được bóng ở phía sân mình cần chú ý không nên chuyền bóng vào khu trung lộ vì lúc này đối phương còn tập trung đông tại đây.
2.4 Trung vệ.
Trung vệ là cầu thủ phòng thủ phía trước cầu môn, cũng như hậu vệ biên ngày nay trung vệ còn có nhiệm vụ tổ chức và tham gia tấn công. Trách nhiệm của trung vệ rất nặng nề vì còn bảo vệ khu vực xung yếu nhất.
Trung vệ phải là cầu thủ biết chỉ huy, điềm tĩnh nhưng quyết đoán, có khả năng phân tích, đánh giá các tình huống và đưa ra quyết định đứng đắn. Trung vệ phải là người có kỹ chiến thuật toàn diện.
Khu vực trước cầu môn, nơi mà hầu hết các đường bóng được chuyền vào đó. Do vậy, trung vệ phải thực hiện tốt việc cản phá không chỉ hướng chính diện mà còn phải cản phá các đường chuyền từ hai biên vào. Trung vệ phải phối hợp chặt chẽ với nhau, với hậu vệ biên và tiền vệ để xây dựng tuyến phòng thủ. Khi đối phương tấn công chính diện gần cầu môn trung vệ không được để đối phương tự do hành động mà phải tìm cách buộc đối phương phải kéo dãn ra ngoài. Khi đối phương tấn công biên trung vệ có nhiệm vụ bọc lót cho hậu vệ biên, sẵn sàng cản phá các đường chuyền vào trung lộ của đối phương.
Về phạm vi hoạt động của trung vệ nói chung luôn luôn phải có một người bảo vệ khu trung lộ. Trong hàng phòng ngự trung vệ bao giờ cũng là người đứng sau. Đối phương tấn công biên nào thì trung vệ di chuyển sang phía biên đó.
Các hệ thống chiến thuật khác nhau thì việc bố trí trung vệ có sự khác nhau về nhiệm vụ cụ thể và số lượng trung vệ.
Trong đội hình WM chỉ có một trung vệ có nhiệm vụ chủ yếu là phòng thủ và chỉ huy hàng phòng thủ.
Trong đội hình 4-2-4 và các biến thể của nó là có hai trung vệ – hai trung vệ này thường đứng gần như ngang nhau – nhiệm vụ chính là phòng thủ và trong một chừng mực nào đó còn tham gia tấn công. Hai trung vệ này mỗi người bảo vệ một phần khu vực trước cầu môn do đó có tên gọi là trung vệ phải, trung vệ trái. Hai trung vệ này phải phối hợp rất ăn ý nếu không dễ bị sơ hở, tuỳ theo đội hình đối phương mà phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người.
Trong đội hình hậu vệ tự do cũng có hai trung vệ, một trung vệ ở phía trước, một trung vệ ở phía sau. Trung vệ ở phía trước được coi là – trung vệ dập, có nhiệm vụ tiên phong cản phá tất cả các đường bóng tấn công chính diện. Trung vệ ở phía sau được gọi là trung vệ tự do hay trung vệ thòng có nhiệm vụ bọc lót cho hàng hậu vệ, chỉ huy tuyến phòng thủ, tổ chức và tham gia tấn công. Khi tham gia tấn công trung vệ tự do thường thực hiện vai trò của tiền vệ hoặc trung phong. Sau khi tham tấn công trung vệ phải nhanh chóng trở về khu vực của mình.
2.5 Tiền vệ.
Tiền vệ là cầu thủ phụ trách khu vực giữa sân, là vị trí giữa hậu vệ và tiền đạo do đó tiền vệ vừa có nhiệm vụ phòng thủ vừa có nhiệm vụ tấn công. Tiền vệ là cầu nối giữa hậu vệ và tiền đạo.
Phạm vi hoạt động của tiền vệ rất rộng do đó tiền vệ cần phải có một thể lực tốt, nhiệm vụ đa dạng nên tiền vệ phải có thể lực tốt cả chiến thuật tấn công lẫn phòng thủ đồng thời phải có trình độ kỹ thuật cao. Tiền vệ phải là người nhanh nhạy, sáng tạo nắm bắt và xử lý tốt các tình huống.
Khi đối phương tấn công, tiền vệ phải lùi về phối hợp với hậu vệ để tạo thành một tuyến phòng thủ, tiền vệ phải kiểm soát được khu vực trước hậu vệ – đặc biệt là khu vực trước trung lộ, phải là tuyến phòng thủ đầu tiên không cho đối phương phát triển tấn công, tấn công ngay trước các cầu thủ có bóng đồng thời chiếm lĩnh các vị trí xung yếu ngăn cản đối phương đột nhập.
Trong tấn công tiền vệ có vị trí rất quan trọng, tiền vệ là người tổ chức tấn công, khống chế khu vực trước cầu môn đối phương, là tuyến hai hỗ trợ trong tấn công đồng thời cũng tham gia trực tiếp tấn công.
Khu vực giữa sân là khu vực rất quan trọng, là nơi bắt đầu phòng thủ và cũng là nơi xuất phát của các đợt tấn công. Do đó các đội hình chiến thuật gần đây đều có xu hướng tăng cường lực lượng ở khu vực giữa sân. Trong các đội hình chiến thuật khác nhau việc bố trí số lượng và phân công chức năng cụ thể cũng khác nhau.
Các đội hình như WM, 4-2-4 đều sử dụng hai tiền vệ. Trong WM hai tiền vệ có nhiệm vụ chủ yếu là phòng thủ, trong khi đó hai tiền vệ của 4-2-4 có nhiệm vụ vừa tấn công vừa phòng thủ, trong hai tiền vệ này thường được phân công một người thiên về thủ một người thiên về công.
Trong các đội hình 4-3-3, 4-4-2, 1-4-3-2, 5-3-2 và 5-3-2 thì khu vực giữa sân được bố trí lực lượng rất mạnh có từ 3 đến 5 cầu thủ. Đối với các đội hình có nhiều tiền vệ thông thường có một tiền vệ được phân công chủ yếu phòng thủ, một tiền vệ chủ yếu tấn công, còn các tiền vệ khác hoạt động rất linh hoạt tuỳ theo chiến thuật, sở trường của từng đội.
2.6 Tiền đạo biên.
Tiền đạo biên chủ yếu hoạt động ở khu vực biên của đối phương. Khu vực này lực lượng phòng thủ tương đối mỏng nên các đội thường tổ chức tấn công biên rồi chuyền bóng vaog trung lộ.
Nhiệm vụ chiến thuật chủ yếu của tiền đạo biên là phối hợp với tiền vệ và trung phong phá vỡ hàng phòng ngự của đối phương ở khu vực biên tạo điều kiện cho đồng đội ghi bàn. Khi tấn công ở biên đối diện tiền đạo biên có xu hướng thu vào trong gần cầu môn để tham gia tấn công. Khi đối phương có bóng tiền đạo biên phải lùi về hỗ trợ phòng thủ và sẵn sàng nhận bóng để tấn công. Trong trường hợp hậu vệ biên lên tham gia tấn công thì tiền đạo biên nên chú ý bọc lót cho họ.
Để đạt hiệu quả trong tấn công tiền đạo biên phải có tốc độ tốt, kỹ thuật qua người cao và chuyền bóng trong khi di chuyển tốc độ cao tốt.
Trong các đội hình chiến thuật khác nhau việc bố trí số lượng và phân công nhiệm vụ cũng có sự khác nhau. Trong những năm gần đây các đội thường không bố trí nhều lực lượng ở hàng tấn công do ý đồ chiến thuật khác nhau và khả năng tấn công của các cầu thủ hàng sau cũng tăng lên nhiều.
Trong đội hình WM, 4-2-4 có hai tiền đạo biên nhiệm vụ chủ yếu là tấn công ở kkhu vực biên và hơi lùi về khi đối phương tấn công. Với đội hình WM tiền đạo biên phải phối hợp chặt chẽ với trung phong và hộ công trong tấn công. Trong đội hình 4-2-4 tiền đạo phải phối hợp với trung phong và tiền vệ trong tấn công.
Trong đội hình 4-3-3 có đội chơi với hai tiền đạo biên, nhưng có đội chỉ có một tiền đạo biên, khi tấn công cầu thủ hàng dưới sẽ lên làm nhiệm vụ thay tiền đạo biên. Trong trường hợp này tiền đạo biên phối hợp chủ yếu với trung phong và tiền vệ.
Các đội hình 4-4-2; 1-4-3-2; 3-5-2 và 5-3-2 hầu như không có tiền đạo biên, khu vực biên là khu vực hoạt động tự do của các cầu thủ, điều này đòi hỏi các cầu thủ phải rất đa năng và di chuyển rất nhiều.
2.7 Trung phong.
Trung phong hoạt động chủ yếu ở khu vực trước cầu môn đối phương. Đây là khu vực có nhiều điền kiện để ghi bàn nhưng cũng là khu vực được phòng thủ nghiêm ngặt nhất. Nhiệm vụ chủ yếu của trung phong là phối hợp với tiền đạo biên và tiền vệ tấn công đối phương, đặc biệt là ở khu vực trước cầu môn. Khi đối phương tấn công phải lùi về hỗ trợ phòng thủ và nhận bóng khi phản công.
Trung phong hoạt động ở khu vực này thường rất khó khăn vì vậy đòi hỏi trung phong phải có trình độ kỹ chiến thuật điêu luyện, có sức rướn và xoay chuyển tốt, có óc sáng tạo và hành động dũng mãnh. Trong các đội hình chiến thuật gần đây phạm vi hoạt động của trung phong được mở rộng nhiều do đó yêu cầu đối với trung phong cũng ngày càng cao.
Trong đội hình WM có một trung phong làm nhiệm vụ chủ yếu là tấn công, phạm vi hoạt động không lớn. Sự phối hợp ở đây chủ yếu là với hai hộ công.
Trong đội hình 4-2-4 có hai trung phong nên uy lực tấn công thường lớn hơn, sự phối hợp ở đây đa dạng hơn: trung phong – tiền vệ – tiền đạo biên. Khi tấn công thì một trong hai trung phonmg phải lùi về để hỗ trợ phòng thủ và nhận bóng khi phản công.
Trong các đội hình 4-3-3; 1-4-3-2; 3-5-2 và 5-3-2 đều có hai trung phong, phạm vi hoạt động của các trung phong này rất rộng, nhiều trường hợp không phân biệt được ai là trung phong ai là tiền vệ hoặc tiền đạo biên, tất cả các cầu thủ hàng tiền vệ hàng tiền đạo luôn luôn di chuyển đổi chỗ cho nhau tuỳ theo tình huống trên sân. Khi đối phương tấn công thì một trung phong phải lùi về khu vực giữa sân để nhận bóng và phản công.
Để lại một phản hồi