Yêu cầu và nội dung của một buổi huấn luyện bóng đá.
Bóng đá không đơn thuần là một trò chơi, mà nó còn là một phương tiện của giáo dục, tập luyện bóng đá thường xuyên giúp người tập tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, chính vì điều đó Trung tâm cho thuê HLV bóng đá muốn giới thiệu các yêu cầu, nội dung của một buổi huấn luyện bóng đá
Hiện nay có rất nhiều Trung tâm huấn luyện bóng đá, clb dạy bóng đá cho trẻ em, người lớn, nhưng chưa thực sự tổ chức tốt cá buổi huấn luyện để nâng cao chuyên môn đá bóng cho người tâp.
I. Các yêu cầu và nội dung của một buổi huấn luyện bóng đá.
-Để tổ chức một buổi huấn luyện chúng ta cần tuân thủ các bước sau:
Một buổi huấn luyện được chia làm 3 phần : phần mở đầu, phần chính và phẩn kết thúc. Nội dung và yêu cầu huấn luyện của phần chính sẽ quyết định hai phần kia về tính chất, thời gian, …… công việc.
1. Phần mở đầu của buổi huấn luyện: KHỞI ĐỘNG (10-20%)
Phần mở đầu buổi huấn luyện còn được gọi là phần “khởi động”; chiếm từ 10 – 20% thời gian của buổi huấn luyện, tuỳ thuộc vào nội dung huấn luyện phần chính (thí dụ: trọng tâm buổi huấn luyện là thi đấu, là phát triển liên hợp kỹ – chiến thuật… thì thời gian khởi động cần dài hơn).
- Mục đích – yêu cầu:
Chuẩn bị tốt cho cầu thủ trước khi bước vào tập luyện có lượng vận động lớn. Nội dung chuẩn bị được tập trung vào hai lĩnh vực:
– Chuẩn bị về tâm lý, tinh thần nhằm gây hứng thú, và tập trung chú ý vào nhiệm vụ của cầu thủ. Việc huấn luyện viên thông báo đầy đủ về nội dung, yêu cầu của buổi tập cho cầu thủ cũng nhằm mục đích này.
– Chuẩn bị về sinh lý: Là sự chuẩn bị cho cơ thể cầu thủ đón nhận lượng vận động lớn. Trọng tâm là hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và hệ vận động (các cơ, dây chằng, khớp) được “làm nóng” tạo nên sự linh hoạt, nhạy cảm… thuận lợi.
– Yêu cầu huấn luyện của phần mở đầu là tạo trạng thái hưng phấn tốt và không gây mệt mỏi cho cầu thủ.
- Nội dung huấn luyện phần mở đầu:
Những nội dung bài tập được sử dụng chủ yếu trong phần này là:
– Các loại bài tập về chạy, nhảy.
– Các trò chơi, thi đấu mang tính chất vui nhộn.
– Các bài tập về đội hình đội ngũ, các bài tập TDTD.
– Các bài khởi động về cơ – khớp (và Stretchinh).
– Các bài tập kỹ – chiến thuật phù hợp (nếu ở phần chính là tập phát triển thể lực, hoặc thi đấu).
– Các môn thể thao bổ trợ đôi khi cũng được sử dụng.
2. Phần chính của buổi huấn luyện: (TRỌNG ĐỘNG 70%)
Phần chính của buổi huấn luyện còn được gọi chung là phần “trọng động”; chiếm khoảng 70% thời gian của buổi huấn luyện.
Mục đích – yêu cầu:
Phần chính giải quyết toàn bộ nội dung, yêu cầu của buổi huấn luyện, là phần quan trọng nhất, do đó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị tốt, đặc biệt là về phương pháp, phương tiện tiến hành, và những điều kiện đảm bảo.
Đối với buổi huấn luyện cho đối tượng là cầu thủ trẻ (lứa tuổi 11 – 15) cần chú ý:
– Số nội dung mới cho phần huấn luyện chính không nên nhiều. Việc ôn luyện, tập sửa chữa sai sót các nội dung đã tập trước là yêu cầu thường xuyên.
– Phương pháp trực quan là chủ yếu (như : thị phạm, giới thiệu, phim hình…): tránh giải thích dài (nếu cần thì chia làm nhiều lần) vì trẻ em hiếu động, nếu dừng lâu sẽ làm giảm khả năng tập trung.
– Cần đối đãi cá biệt (thí dụ: có em cần chỉ bảo cặn kẽ hơn, có em cần “bắt chước” – xem làm mẫu nhiều hơn…).
– Tránh tập đơn điệu kéo dài vì trẻ em chóng bị mệt mỏi do phải tập trung chú ý vào hoạt động ít biết đổi.
– Có thể tập chung toàn đội, hoặc chia thành các nhóm tập riêng rẽ. (tuỳ thuộc vào đối tượng cụ thể, hoặc yêu cầu của nội dung tập).
- Nội dung huấn luyện phần chính:
Nội dung huấn luyện của phần chính, buổi huấn luyện bao gồm các dạng bài tập sau:
– Huấn luyện hoàn toàn kỹ thuật (bao gồm học kỹ thuật mới, ôn tập và sửa sai sót các kỹ thuật đã học).
– Huấn luyện hoàn toàn chiến thuật (học chiến thuật mới và ôn tập chiến thuật đã học).
– Huấn luyện hoàn toàn thể lực (với các nội dung riêng rẽ về sức nhanh, sức mạnh, sức bền. Hoặc các nội dung hỗn hợp các phần trên).
– Huấn luyện liên hợp nhiều nội dung ( thí dụ : huấn luyện kỹ – chiến thuật, huấn luyện kỹ thuật – sức nhanh,…).
– Huấn luyện thi đấu (bao gồm thi đấu tập, thi đấu chiến thuật và thi đấu giải).
Đối với các nội dung huấn luyện hỗn hợp cần chú ý theo yêu cầu tuần tự để có hiệu quả cao (thí dụ : tập thể lực thì theo thứ tự tập khéo léo và sức nhanh trước, tập sức mạnh sau, và sức bền cuối cùng…).
Đối với nội dung phát triển về kỹ thuật : tập kỹ thuật có thể sử dụng đa dạng, vào bất cứ thời điểm nào của buổi tập (với các cách thức và yêu cầu khác nhau); thí dụ : tập trong phần khởi động, trong phần kết thúc, hoặc trong thời gian hồi tĩnh giữa các bài tập.
3. Phần kết thúc của buổi huấn luyện: (HỒI TĨNH 5-10%)
Phần kết thúc của buổi huấn luyện còn được gọi là phần “hồi tĩnh”, chiếm khoảng 5 – 10% thời gian của buổi huấn luyện.
- Mục đích và yêu cầu:
Tập luyện của phần kết thúc buổi huấn luyện nhằm mục đích loại trừ ảnh hưởng xấu tới cầu thủ khi chuyển từ trạng thái vận động cao trở về trạng thái bình thường. Yêu cầu chủ yếu ở đây là “hồi tĩnh” cho hệ tuần hoàn và hệ hô hấp.
- Nội dung huấn luyện phần kết thúc:
Những nội dung bài tập được sử dạng chủ yếu ở đây là:
– Chạy chậm, kết hợp thực hiện các bài tập thở sâu.
– Các bài tập kỹ thuật (thí dục : chuyền bóng đôi – ba người, tâng bóng…).
– Các bài tập trò chơi (nếu phần chính là tập phát triển thể lực).
Ở phần kết thúc buổi tập huấn luyện viên cần có nhận xét ngắn gọn về buổi tập (nhắc nhở, chỉ dẫn, động viên…).
Trên đây là yêu cầu, nội dung và các bài tập bóng đá từng phần, mọi người tham khảo nhé.
Để lại một phản hồi