Thể lực thi vô cùng quqn trọng nhưng kỹ thuật lại càng quan trọng hơn
Giảng dạy bóng đá cũng như các môn thể thao khác cần tuân theo một trình tự nhằm đảm bảo việc tiếp thu bài tập trước có ảnh hưởng tốt đến bài tập sau, các động tác cơ bản phải tập trước. Trong giảng dạy bóng đá cần tiến hành song song giữa giảng dạy thực hành và lý thuyết, vừa tiến hành tập luyện động tác cơ bản vừa làm quen với luật và chiến thuật chơi.
- Cách Giảng dạy kỹ thuật đá bóng.
Giảng dạy các kỹ thuật đá bóng có thể tiến hành theo trình tự sau : đá lòng, đá mu giữa, đá mu trong, đá mu ngoài và sau đó là các kỹ thuật khác.
Trong tập luyện các yếu lĩnh cơ bản của động tác được tập trước như : Đặt chân trụ và tiếp xúc bóng. Bước đầu có thể tập không bóng và sử dụng các bài tập bổ trợ cũng như các phương tiện kỹ thuật sẽ giúp hình thành động tác đúng. Tuỳ theo mức độ nắm vững động tác mà tăng dần độ phức tạp : từ đá bóng chết sang đá bóng động, không có đối kháng đến có đối kháng v.v…
Trong giảng dạy thường sử dụng phương pháp phân chia. Chú ý trong tập luyện kỹ thuật đá bóng phải được tập đều cả hai chân.
Khuynh hướng các bài tập thường được áp dụng trong giảng dạy đá bóng là :
– Tập tiếp xúc bóng : Bóng được treo, buộc dây hoặc người giữ bóng, bóng đặc.
– Đặt chân trụ : Đặt bóng chết tập đặt chân trụ, một bước đá đặt chân trụ sau đó tăng dần số bước.
– Tập vung chân lăng : Đứng tại chỗ vung chân lăng, đặt chân trụ kết hợp với vung chân lăng, vung chân lăng kết hợp tiếp xúc bóng.
– Chạy đà, đặt chân trụ và vung chân lăng.
– Đá bóng vào tường : Một bước đá đến nhiều bước đá. Đá bóng chết và sau đó đá bóng động xuôi chiều.
– Đá bóng vào mục tiêu : Thay đổi dần kích thước mục tiêu và cự ly đá.
– Đá bóng động : Đá bóng đến từ các hướng khác nhau, tốc độ tầm bóng khác nhau.
– Đá bóng trong di động : hướng và tốc độ di chuyển khác nhau.
Trong quá trình tập luyện kỹ thuật đá bóng thường mắc các khuyết điểm sau:
Đặt chân trụ không đúng nên chân trụ không vững và không đúng vị trí.
Hướng vung chân lăng không phù hợp với hướng đá. Hướng vung chân lăng phải trùng hướng đá.
Tiếp xúc bóng không đúng và khi tiếp xúc cổ chân bị lỏng.
Thực hiện không đúng các yếu tố thành phần của kỹ thuật động tác.
Sợ hãi trong khi thực hiện động tác và người lỏng lẻo trong khi thực hiện.
2. Cách Giảng dạy kỹ thuật đánh đầu.
Trình tự học các kỹ thuật đánh đầu như sau : Trán giữa, trán bên, chuyển hướng, bật nhảy đánh đầu.
Đánh đầu là kỹ thuật tương đối khó. Để thực hiện động tác đánh đầu cần phải có cảm giác không gian và thời gian tốt để qua đó phán đoán chính xác tầm hướng, tốc độ đến của bóng. Khi thực hiện động tác đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng toàn thân. Trong giảng dạy nên dùng phương pháp giảng dạy kỹ thuật động tác nguyên vẹn.
Khuynh hướng các bài tập thường được áp dụng trong giảng dạy là :
– Tập tiếp xúc bóng đúng : Đứng tại chỗ đánh đầu vào bóng treo, tự tung bóng đánh đầu (chú ý tiếp xúc).
– Làm toàn bộ động tác không bóng, chú ý sự phối hợp nhịp nhàng toàn thân.
– Người tung, người đánh tại chỗ, tuỳ theo mức độ tiếp thu mà tăng dần cự ly giữa hai người, tăng dần tốc độ bóng.
– Di chuyển đánh đầu : người tập di chuyển tiến lùi, sang ngang đánh bóng do người cùng tập tung.
– Hai người hoặc nhóm chuyền đầu cho nhau.
Những sai lầm thường mắc khi tập đánh đầu :
– Phán đoán tầm bóng, tốc độ bóng đến không chính xác do đó thực hiện động tác sớm hoặc muộn.
– Phối hợp động tác thiếu nhịp nhàng, không phát lực từ chân mà thường chỉ dùng sức của cổ do đó bóng đi không mạnh.
– Thường dùng lực đánh đầu vào bóng nhưng không tiếp xúc đúng vào các phần trán.
3. Cahc Giảng dạy động tác kỹ thuật dẫn bóng.
Học kỹ thuật dẫn bóng và qua người trước hết nên học từ dẫn bóng mu giữa, dẫn bóng bằng lòng, dẫn bóng mu trong và dẫn bóng mu ngoài.
Bước đầu học kỹ thuật nên tập dẫn theo đường thẳng sau đó tuỳ theo mức độ nắm vững kỹ thuật mà tập dẫn bóng vòng cung, dẫn theo đường chữ chi, dẫn qua cọc. Khi chưa thành thạo, tốc độ dẫn chậm sau đó tăng dần và có đối kháng (từ thụ động đến tích cực). Trong tập luyện nên kết hợp động tác dẫn với các kỹ thuật động tác khác. Cố gắng tập dẫn bóng cả hai chân và quan sát trong khi dẫn.
Phương pháp giảng dạy nên sử dụng phương pháp giảng dạy nguyên vẹn. Khi tập dẫn bóng cần chú ý dẫn với quan sát.
Khuynh hướng các bài tập thường áp dụng trong giảng dạy ban đầu là :
– Chạy chậm làm động tác mô phỏng không bóng.
– Chạy chậm hoặc đi bộ dẫn bóng nhồi hoặc dẫn bóng mềm.
– Dẫn bóng tốc độ chậm. Sau khi đã nắm vững tăng dần tốc độ.
– Dẫn bóng theo các hướng khác nhau.
– Dẫn bóng theo ký tín hiệu của giáo viên.
– Dẫn bóng kết hợp với các động tác khác.
Những sai lầm thường mắc khi tập luyện ban đầu :
– Cảm giác dùng lực khi tiếp xúc bóng chưa tốt thường mạnh quá hoặc yếu quá không phù hợp với tốc độ di chuyển nên không khống chế được bóng.
– Chỉ chú ý quan sát bóng mà không quan sát các hoạt động trên sân.
– Không chú ý dẫn bóng bằng hai chân.
– Thân người thẳng và trọng tâm thân thể cao.
4. Cách Giảng dạy động tác nhận bóng.
Trình tự giảng dạy kỹ thuật động tác nhận bóng có thể như sau : Nhận bóng bằng lòng bàn chân, nhận bóng bằng gan bàn chân, nhận bóng bằng đùi. Động tác nhận bóng là động tác kỹ thuật tương đối khó đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng toàn thân, có khả năng phán đoán, có cảm giác bóng và tốc độ bóng. Bước đầu tập luyện nên tập trong điều kiện không di chuyển, tốc độ bóng đến chậm sau đó tăng dần độ khó của bài tập bằng các yếu tố : Tăng tốc độ bóng, nhận trong di động, bóng đến từ các tầm hướng khác nhau.
Phương pháp giảng dạy thường sử dụng phương pháp nguyên vẹn. Chú ý phải che được bóng và hạn chế nhận bóng chết tại chỗ.
Khuynh hướng các bài tập thường được sử dụng trong giảng dạy :
– Làm động tác không bóng chú ý đến phối hợp nhịp nhàng toàn thân.
– Tập với bóng treo hoặc bóng mềm.
– Bóng do đồng đội tung đến hoặc đá đến với cự ly và tốc độ tăng dần.
– Di chuyển nhận bóng.
– Nhận bóng kết hợp với đá, chuyển hướng…
Trong tập luyện ban đầu người học thường mắc những khuyết điểm sau:
– Xác định tầm hướng và tốc độ bóng thiếu chính xác do đó chọn vị trí và phối hợp giữa cử động hoãn xung và bóng thiếu nhịp nhàng.
– Chân nhận bóng bị cứng làm tăng độ đàn hồi.
– Giữ bóng chết một chỗ hoặc không che được bóng với đối phương.
5. Cách Giảng dạy động tác giả.
Trong giảng dạy kỹ thuật động tác giả người ta thường dạy theo trình tự sau:
Động tác giả không bóng, động tác giả có bóng (Khi đối phương ở trước mặt, hai bên và sau lưng).
Động tác giả đòi hỏi người tập phải có tính sáng tạo cao, vì vậy cần có các bài tập và tình huống đa dạng. Sau khi người tập đã nắm vững được các kỹ thuật động tác để làm phong phú và đa dạng vốn động tác nên có các phần tự tập để học viên phát huy khả năng sáng tạo của mình.
Phương pháp giảng dạy : Nguyên vẹn và phân chia.
Khuynh hướng các bài tập thường được áp dụng trong tập luyện ban đầu là:
– Đứng tại chỗ, đi bộ và sau đó chạy chậm làm động tác giả không bóng.
– Chạy chậm làm động tác giả qua cọc không có bóng.
– Dẫn bóng chậm làm động tác giả, sau đó thực hiện làm động tác giả qua cọc.
– Dẫn bóng qua đối phương tranh cướp thụ động và tiến dần đến tranh cướp tích cực.
– Các bài tập trò chơi.
Những sai lầm thường mắc trong tập luyện :
– Trọng tâm thân thể quá cao khó chuyển hướng di chuyển.
– Phần giả làm quá nhanh hoặc giữa phần giả và phần thật quá ngắn.
6. Cách Giảng dạy kỹ thuật tranh cướp bóng.
Tranh cướp bóng là một kỹ thuật động tác khó, trình tự giảng dạy như sau : tranh cướp bóng trước mặt, hai bên. Trong giảng dạy nên kết hợp với giảng dạy luật giúp học viên khi thực hiện kỹ thuật động tác ít bị phạm lỗi đồng thời giáo dục phẩm chất ý chí và các tố chất thể lực.
Phương pháp giảng dạy : Phương pháp nguyên vẹn.
Khuynh hướng các bài tập thường được áp dụng trong giảng dạy :
– Đứng tại chỗ làm mô phỏng động tác.
– Đi bộ, chạy chậm làm động tác mô phỏng.
– Hai người dùng bóng mềm hoặc bóng nhồi người dẫn người tranh cướp
– Bài tập hai người, người dẫn bóng người làm động tác tranh cướp. Tốc độ thực hiện từ chậm đến nhanh.
Những sai lầm thường mắc trong tập luyện :
– Xác định thời điểm tranh cướp thiếu chính xác.
– Tư thế chuẩn bị không tốt, trọng tâm thân thể không hạ thấp.
– Khi thực hiện động tác cơ thể thả lỏng.
– Thiếu kiên quyết và dũng mãnh trong khi thực hiện động tác.
7. Cách Giảng dạy và kỹ thuật ném biên.
Trong giảng dạy kỹ thuật ném biên tại chỗ được giảng dạy trước sau đó là kỹ thuật ném biên có đà. Kỹ thuật động tác không phức tạp nhưng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cơ thể. Ném biên được quy định chặt chẽ bởi luật và phụ thuộc nhiều vào sự phát triển tố chất thể lực.
Phương pháp giảng dạy : Phương pháp nguyên vẹn.
Khuynh hướng chung trong tập luyện :
– Tập cầm bóng đúng kỹ thuật.
– Đứng tại chỗ hoặc di chuyển chậm làm động tác không bóng.
– Ném cho đồng đội, lúc đầu cự ly gần sau tăng dần cự ly.
Những sai lầm thường mắc trong tập luyện ban đầu :
– Phối hợp không nhịp nhàng giữa thân, chân và tay.
– Dùng sức không đều, ném chủ yếu bằng một tay.
– Bóng ra tay sớm quá hoặc muộn quá.
8. Cách dạy Kỹ thuật thủ môn.
Kỹ thuật thủ môn rất đa dạng và có nhiều động tác phức tạp. Trong giảng dạy nên giảng dạy các kỹ thuật không bóng trước, các kỹ thuật với bóng sau. Trong khi dạy kỹ thuật với bóng có thể kết hợp dạy cùng lúc với động tác như : bắt bóng sệt kết hợp với lăn bóng…
Đối với thủ môn các kỹ thuật hoạt động không bóng là rất quan trọng, các kỹ thuật này tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc thực hiện các kỹ thuật động tác với bóng. Các bài tập được áp dụng trong giảng dạy cho thủ môn thường rất đa dạng nhưng phải chú ý phối hợp chặt chẽ với huấn luyện thể lực, ý chí và tâm lý. Đây là những yếu tố cực lỳ quan trọng giúp thủ môn thực hiện tốt kỹ thuật.
Phương pháp giảng dạy : Phương pháp nguyên vẹn.
Kỹ thuật thủ môn rất đa dạng vì vậy khuynh hướng tương đối chung nhất của các bài tập cơ thể như sau :
– Những bài tập không bóng : Tư thế, chọn vị trí, di chuyển, chạy, nhảy, ngã…
– Các bài tập hai người, người tung người bắt (đứng tại chỗ) ở cự ly gần và tốc độ chậm. Sau đó tăng dần cự ly và tốc độ.
– Thủ môn bắt bóng trong di chuyển với tốc độ bóng từ chậm đến nhanh, từ cự ly gần đến xa, từ các hướng tầm khác nhau.
– Các bài tập trò chơi nhằm tăng cường khả năng phản xạ, phán đoán.
Các khuyết điểm thường mắc trong giảng dạy ban đầu :
– Phán đoán và chọn vị trí không đúng gây khó khăn cho việc thực hiện động tác.
– Phối hợp toàn thân thiếu nhịp nhàng.
– Không kiên quyết, lo sợ khi bắt bóng.
– Tay, bàn tay thường quá rộng để lọt bóng.
Để lại một phản hồi