Phương pháp dạy bóng

PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY KỸ THUẬT BÓNG ĐÁ CHUẨN NHẤT

I. NHIỆM VỤ VÀ YÊU CẦU DẠY BÓNG ĐÁ

1. Nhiệm vụ

Nhiệm vụ chung trong quá trình giảng dạy và huấn luyện bóng đá trước hết phải đảm bảo thực hiện những nhiệm vụ của giảng dạy nói chung và giảng dạy các môn thể thao nói riêng, đó là :

– Giáo dục đạo đức, phẩm chất và ý chí.

– Củng cố, phát triển và hoàn thiện thể lực toàn diện.

– Trang bị các tri thức, kỹ năng và kỹ xảo chuyên môn.

– Đạt được thành tích cao trong các môn thể thao.

2. Yêu cầu

Để giảng dạy và huấn luyện tốt cần nắm được một số đặc điểm trong hoạt động chuyên môn bóng đá.

Các đặc điểm cơ bản của bóng đá là :

– Là môn thể thao sử dụng các bộ phận ít linh hoạt và khéo léo để điều khiển bóng (chân, ngực, đầu) nên hình thành kỹ thuật động tác tương đối khó và cần có thời gian.

– Là môn thể thao có mối liên hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau giữa các yếu tố : Kỹ thuật, chiến thuật, thể lực và đạo đức phẩm chất.

– Là môn thể thao đối kháng trực tiếp, các tình huống luôn diễn ra bất ngờ, người chơi phải xử lý kịp thời và chính xác nhiệm vụ được đặt ra trong các tình huống khác nhau.

– Là môn thể thao tập thể đòi hỏi người chơi phải biết phối hợp tốt với đồng đội.

Để tiến hành giảng dạy và huấn luyện bóng đá đạt hiệu quả cao cần đảm bảo các yêu cầu sau :

– Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc giáo dục chung, giáo dục thể dục và huấn luyện thể thao nói riêng.

– Phải thực hiện đúng các nguyên lý kỹ chiến thuật, phải trang bị các kiến thức chuẩn xác, có như vậy mới có thể hoàn thiện và nâng cao sau này.

– Trong giảng dạy phải kết hợp hài hoà giữa lý thuyết và thực hành, giữa chuyên môn và đạo đức ý chí.

– Công tác giảng dạy và huấn luyện phải tiến hành thường xuyên liên tục có hệ thống.

– Biết vận dụng và vận dụng tốt các kỹ năng, kỹ xảo chuyên môn trong thi đấu.

dạy trẻ em 3456789 tuổi đá bóng

II. GIẢNG DẠY BÓNG ĐÁ

1. Các nguyên tắc giảng dạy

1.1 Nguyên tắc tự giác tích cực

Nguyên tắc này đòi hỏi phải hình thành ý thức tự giác và hiểu rõ mục đích của việc tập luyện làm cho người tập tham gia một cách tự giác tích cực vào quá trình học tập và biết tự kiểm tra đánh giá những hoạt động và kết quả tập luyện.

Để đảm bảo tính tự giác tích cực trong tập luyện phải thực hiện các yêu cầu sau :

– Giải thích mục đích ý nghĩa của mỗi bài tập và phương thức thực hiện bài tập đó.

– Tự tìm ra những nguyên nhân thành công và sai lầm (học tập có suy nghĩ).

– Nhận xét và đánh giá khách quan các thành tích đạt được.

– Giao cho các bài tập để tự tập luyện.

1.2  Nguyên tắc hệ thống và liên tục

Thực hiện nguyên tắc hệ thống trong giảng dạy tức là tuân thủ trình tự hợp lý trong nội dung giảng dạy, trong việc áp dụng các phương tiện, phương pháp giáo dục thể chất trong khi tổ chức và tiến hành học tập. Để đảm bảo nguyên tắc hệ thống phải thực hiện các quy tắc sau :

– Phải lập kế hoạch cho toàn bộ quá trình tập luyện, xác định trình tự cho các buổi tập và nội dung tập luyện.

– Thường xuyên đánh giá kết quả quá trình tập luyện.

– Đảm bảo tập luyện thường xuyên liên tục tránh nghỉ tập không có lý do

– Xác định trình tự bài tập và nội dung trong buổi tập đúng đắn.

– Đi đôi với việc lặp lại bài tập cần đa dạng hoá các phương tiện tác động (bài tập, phương pháp, điều kiện ngoại cảnh).

1.3 Nguyên tắc trực quan.

Các cơ quan thụ cảm (thính giác, thị giác…) có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp thu động tác… Thông qua các cơ quan này người học hình thành được trong tư duy hình ảnh của động tác. Trong mỗi giai đoạn tập luyện trực quan có vai trò khác nhau. Để đảm bảo nguyên tắc trực quan cần phải tuân thủ các quy tắc sau :

– Xác định nội dung, nhiệm vụ học tập cần phải được giải quyết bằng phương tiện trực quan.

– Thông qua các giác quan tạo cho người tập khái niệm được toàn bộ động tác.

– Sử dụng hợp lý các phương tiện trực quan.

– Sử dụng phương tiện trực quan theo trình độ và lứa tuổi. Trình độ và lứa tuổi càng thấp càng nên áp dụng rộng rãi phương tiện trực quan.

1.4 Nguyên tắc dễ hiểu, dễ tiếp thu, vừa sức.

Nguyên tắc này đòi hỏi sự lựa chọn và bố trí các bài tập hợp lý theo độ khó và chú ý đến lứa tuổi, giới tính và đặc điểm cá nhân của người học. Nguyên tắc này được thể hiện ở tất cả các thành phần của quá trình giảng dạy: làm mẫu, giải thích, sử dụng tài liệu, lượng vận động.v.v… Nguyên tắc vừa sức đòi hỏi tuân thủ các quy tắc sau :

– Thực hiện đúng chương trình tập luyện và các tiêu chuẩn về phương tiện.

– Chú ý đến lứa tuổi và đặc điểm cá nhân.

– Tuân thủ các quy tắc “từ biết đến chưa biết”, “từ dễ đến khó”, ‘từ đơn giản đến phức tạp”.

1.5 Nguyên tắc bền vững.

Nguyên tắc bền vững là bảo đảm duy trì các kỹ năng và khả năng làm việc thu được trong quá trình lâu dài hoặc thay đổi trong sự hạn định trước để khi chuyển động tác thì động tác cũ không bị phá vỡ. Thực hiện nguyên tắc bền vững phải tuân thủ các quy tắc sau :

– Không nên vội chuyển sang động tác mới.

– Không nên làm tăng độ khó bài tập bằng các động tác mới.

   – Đưa vào buổi tập những bài tập hoặc những yếu tố đã nắm vững từ trước kết hợp với các yếu tố mới hoặc các dạng mới.

– Nâng cao dần cường độ và khối lượng bài tập.

– Đánh giá người học một cách khách quan và theo định kỳ như : thi đẳng cấp, thi đấu v.v…

– Nghỉ ngơi hợp lý giữa các bài tập.

Các nguyên tắc giảng dạy trên được phân định chỉ có ý nghĩa tương đối. Các nguyên tắc giảng dạy có sự liên quan chặt chẽ với nhau bởi vì trong quá trình giảng dạy sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Để đạt được hiệu quả trong giảng dạy phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc giảng dạy và kết hợp chặt chẽ các nguyên tắc này trong một thể thống nhất.

2. Các phương pháp giảng dạy

Phương pháp là cách thức, biện pháp để đạt được mục đích trong công việc nào đó. Trong giảng dạy phương pháp là cách thức quan hệ giữa thầy và trò, là cách sử dụng các phương tiện tập luyện để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.

Trong giảng dạy, người ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Mỗi phương pháp được sử dụng để giải quyết các nhiệm vụ riêng lẻ trong giảng dạy, do đó khi giảng dạy phải lựa chọn phương pháp cho phù hợp. Tuy nhiên, nhiệm vụ giảng dạy rất đa dạng và phức tạp cho nên các phương pháp phải được sử dụng để hỗ trợ nhau hoặc sử dụng đồng thời để giải quyết nhiệm vụ chung.

Trong giảng dạy có thể chia làm 4 nhóm phương pháp : lời nói, trực quan, bài tập, phương pháp bổ trợ.

2.1 Nhóm phương pháp lời nói.

Phương pháp lời nói là phương pháp sử dụng lời nói để tạo nên những khái niệm ban đầu về động tác ở người học, để chỉ dẫn cách thực hiện và sửa chữa những sai lầm trong khi thực hiện động tác.

Khi sử dụng lời nói trong giảng giải cần phải ngắn gọn, dễ hiểu, chính xác và sinh động. Trong phương pháp lời nói có các hình thức sau : giảng giải, nói chuyện, thảo luận, chỉ dẫn, nhận xét và chỉ huy.

Giảng giải là hình thức rất quan trọng. Giảng giải là mô tả nội dung động tác, các quy luật, quy tắc cần tuân thủ khi thực hiện động tác hoặc bài tập (hoạt động). Thông qua giảng giải tạo nên những khái niệm ban đầu về bài tập cho người học. Trong khi giảng giải cần đảm bảo các nội dung sau : tên bài tập, ý nghĩa, cách thực hiện. Giảng giải cần ngắn gọn dễ hiểu nêu được bản chất của vấn đề. Bước đầu giảng giải nên tập trung vào ý chính ở giai đoạn sau có thể đi vào chi tiết bài tập và các sai lầm, cách sửa chữa. Đối với những động tác phức tạp giảng giải nên đi kèm với hình thức trực quan. Hình thức này thường được sử dụng ở giai đoạn làm quen và  tập luyện ban đầu.

Nói chuyện nhằm trang bị và mở rộng kiến thức về môn thể thao, về bài tập, động tác cũng như phương pháp tập luyện trong học tập. Nói chuyện thường được sử dụng để giới thiệu những trò chơi mới, những cuộc thi đấu hoặc những vấn đề về thể thao nói chung. Nói chuyện cần phải rõ ràng, sinh động, chính xác.

Thảo luận. Hình thức này thể hiện tính tích cực của phương pháp lời nói và thường được kết hợp với hình thức giải thích và nói chuyện. Thảo luận được thể hiện dưới hình thức hỏi và đáp về các (vấn đề) nội dung : đánh giá mức độ nhận thức chung, nhận thức về sai lầm và cách sửa chữa, phân tích kết quả tập luyện và xây dựng kế hoạch.

Nhận xét : Trong quá trình tập luyện nhận xét sẽ giúp chỉ ra những ưu khuyết điểm và phương pháp sửa chữa các sai lầm đó cho từng đối tượng hoặc cả một tập thể. Nhận xét cần rõ ràng chỉ ra những yếu tố chính và những biện pháp cụ thể.

Chỉ dẫn – tổ chức và mệnh lệnh (chỉ huy). Hình thức này được sử dụng trong khi đang thực hiện động tác nhằm sửa chữa những khuyết điểm nhỏ hoặc chỉ dẫn cách thực hiện (“ngẩng đầu lên” để quan sát khi dẫn bóng). Chỉ dẫn đưa ra cần ngắn gọn chính xác.

2.2 Nhóm phương pháp trực quan.

Phương pháp trực quan nhằm thông qua thị giác tạo nên những khái niệm vận động ban đầu ở người tập hoặc để đánh giá việc thực hiện động tác. Phương pháp trực quan có các hình thức sau : thị phạm, xem tranh ảnh hoặc tài liệu giáo khoa có minh họa, phim và băng hình, đèn chiếu, tham quan thi đấu. Các hình thức này có thể thực hiện đơn lẻ nhưng nên phối hợp với nhau vì mỗi hình thức đều có những ưu nhược điểm riêng của mình, khi phối hợp hình thức này sẽ bổ sung cho hình thức kia làm tăng hiệu quả giảng dạy. Đồng thời ở mỗi trình độ người tập khác nhau việc sử dụng các hình thức cũng cần khác nhau.

Thị phạm là làm mẫu động tác hoặc bài tập. Thị phạm có thể do giáo viên, học viên hoặc một người nào đó thực hiện, những người này phải có khả năng thực hiện chính xác động tác được giới thiệu. Thị phạm còn phải đảm bảo các yêu cầu sau : Động tác thị phạm phải chính xác, hướng và vị trí thị phạm phải phù hợp với vị trí của người học (trong trường hợp động tác phức tạp có thể thị phạm theo các hướng khác nhau), thị phạm toàn bộ động tác rồi sau đó mới thị phạm từng phần.

Các hình thức trực quan khác cũng có giá trị to lớn, cùng với thị phạm tạo nên những khái niệm hoàn chỉnh, sinh động về động tác ở người học. Các tư liệu có hình ảnh (tranh ảnh, phim) giúp cho người học thấy rõ hơn các động tác kỹ thuật, hình thức này đặc biệt có ý nghĩa khi học những động tác không thị phạm được, những động tác trên không hoặc không có người thị phạm. Trong quá trình xem giáo viên vừa giảng giải vừa ra các câu hỏi để người tập hướng vào những nội dung chính.

Tham quan thi đấu là hình thức trực quan cụ thể sinh động nhất nó giúp cho người học tiếp thu động tác, bài tập trong điều kiện thực tiễn.

Phương pháp trực quan và phương pháp lời nói thường được sử dụng song song trong giảng dạy (Trong khi thị phạm hoặc xem tài liệu chuyên môn thường kết hợp với giảng giải).

2.3 Các phương pháp bài tập.

Để hình thành, củng cố và hoàn thiện kiến thức, kỹ năng kỹ xảo không thể không sử dụng phương pháp bài tập. Có các phương pháp bài tập sau : Phương pháp nguyên vẹn và phân chia, phương pháp lặp lại, phương pháp biến đổi, phương pháp trò chơi và phương pháp thi đấu.

Phương pháp nguyên vẹn và phân chia : Phương pháp nguyên vẹn và phân chia là phương pháp cơ bản trong giảng dạy kỹ thuật động tác. Trong giảng dạy, kỹ thuật động tác có thể được học nguyên vẹn hoặc được chia ra từng phần để học. Những động tác khó phức tạp có nhiều giai đoạn nên dạy từng phần (các động tác đá bóng), những động tác đơn giản hoặc không thể phân chia được nên dạy nguyên vẹn (động tác đánh đầu). Khi dạy phương pháp phân chia việc phân chia giai đoạn phải hợp lý không phá vỡ kết cấu của động tác, đồng thời có thể dạy các giai đoạn chủ yếu trước các giai đoạn phụ sau (giai đoạn tiếp xúc bóng trong đá bóng có thể dạy trước).

Phương pháp lặp lại : Trong phương pháp này kỹ thuật động tác thường được lặp đi lặp lại nhiều lần trong điều kiện tương đối ổn định về cấu trúc động tác, về điều kiện thực hiện. Việc lặp lại sẽ giúp cho người học có cảm giác về không gian, thời gian và cảm giác dùng sức trên cơ sở đó hình thành định hình động lực bền vững của động tác.

Phương pháp biến đổi : Nhằm rèn luyện kỹ thuật động tác được học trong các điều kiện khác nhau giúp củng cố và hoàn thiện hơn nữa kỹ thuật động tác. Những yếu tố biến đổi trong tập luyện như độ khó, độ phức tạp, tốc độ thực hiện (thực hiện động tác với bóng động, thực hiện trong di động, trong điều kiện có đối kháng).

Phương pháp trò chơi và phương pháp thi đấu : Các phương pháp này nhằm củng cố và hoàn thiện kỹ thuật động tác với yêu cầu cao hơn gần với thực tiễn thi đấu hơn. Các phương pháp này thường được sử dụng khi đã nắm tương đối vững kỹ thuật động tác.

Các trò chơi có thể là : thi dẫn bóng, 4 (2,… Đối với thi đấu tuỳ theo trình độ mà có thể đưa ra những yêu cầu thi đấu khác nhau như về kích thước sân, về số lượng người tham gia…

Phương pháp tư duy : Phương pháp tư duy đòi hỏi người tập trước khi thực hiện động tác phải tư duy toàn bộ động tác và cách thực hiện nó, sau đó tự đánh giá việc thực hiện động tác của mình để có những sửa chữa cho phù hợp. Giáo viên có thể giúp bằng cách đặt ra các câu hỏi, các tình huống.

2.4 Phương pháp bổ trợ.

Phương pháp bổ trợ là phương pháp sử dụng các bài tập, động tác và phương tiện, thiết bị hỗ trợ để giúp người học từng bước nắm vững kỹ thuật được học.

3. Các giai đoạn dạy học.

Quá trình dạy học có thể được chia ra làm ba giai đoạn : Dạy học ban đầu, giai đoạn củng cố và giai đoạn hoàn thiện.

3.1 Dạy học ban đầu.

Dạy học ban đầu nhằm mục đích : Tạo những khái niệm rõ ràng và chuẩn xác về động tác được học và tạo những kỹ năng ban đầu về thực hiện động tác. Trong giai đoạn này có những nhiệm vụ sau :

– Tạo những khái niệm chung về kỹ thuật động tác.

– Tập luyện từng phần động tác rồi toàn bộ động tác với nhịp điệu chậm.

– Sửa chữa các sai lầm trong thực hiện kỹ thuật động tác.

– Hình thành nhịp điệu chung của động tác.

Các phương pháp thường được áp dụng trong giai đoạn này là :

– Phương pháp lời nói, phương pháp trực quan nhằm tạo hứng thú và khái niệm chung về kỹ thuật động tác cho người học đồng thời để sửa chữa sai lầm mắc phải.

– Phương pháp bài tập : Trong giai đoạn này đóng vai trò chủ yếu là phương pháp nguyên vẹn và phân chia (tuỳ theo độ phức tạp của kỹ thuật động tác).

– Phương pháp bổ trợ : Dùng các bài tập tương tự hoặc thiết bị hỗ trợ giúp cho người học hình thành động tác được thuận lợi.

Trong giai đoạn dạy học ban đầu cần chú ý các điểm sau :

– Khi giao nhiệm vụ tập luyện phải rõ ràng.

– Phải đảm bảo nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó

(từ không bóng đến có bóng, từ chậm sang nhanh…).

– Phải tạo được khái niệm chuẩn xác và nguyên vẹn về kỹ thuật động tác. Do đó, phải giới thiệu chậm toàn bộ hoặc từng phần kỹ thuật với sự giải thích ngắn gọn nguyên lý động tác.

– Khi ngươi tập đã thực hiện động tác không có sai sót cơ bản có thể chuyển sang giai đoạn sau, không nên dừng quá lâu ở giai đoạn này.

– Trong giai đoạn này tập trung sửa chữa những khuyết điểm lớn cơ bản.

Người học ở giai đoạn này thường mắc những sai sót như :

– Hiểu sai động tác, chưa tự kiểm tra được việc thực hiện động tác.

– Thể lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

– Do tâm lý sợ hãi khi thực hiện động tác.

Để khắc phục những sai sót trên trong quá trình giảng dạy cần lưu ý các điểm sau:

– Thị phạm phải chính xác, đẹp, giải thích rõ ràng, chọn vị trí thị phạm thích hợp kết hợp với các phương pháp trực quan khác. Đồng thời sử dụng phương pháp tư duy để người tập hiểu đúng động tác.

– Trong quá trình tập cần có thông tin tức thời cho người tập, nhận xét đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của người tập sau khi thực hiện bài tập.

– Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc giảng dạy. Phương pháp giảng dạy và bài tập phải áp dụng hợp lý.

– Giảng dạy kỹ thuật phải đi đôi với rèn luyện thể lực và ý chí.

3.2 Giai đoạn củng cố.

Mục đích của giai đoạn này là đảm bảo độ ổn định khi thực hiện được toàn bộ động tác. Nhiệm vụ của giai đoạn này là :

– Nắm vững động tác được học về nhịp điệu thực hiện, về không gian và thời gian.

– Thực hiện động tác kỹ thuật trong điều kiện gần giống thi đấu.

Trong giai đoạn này các phương pháp giảng dạy sau thường được sử dụng :

– Phương pháp tập luyện nguyên vẹn chủ yếu nhằm nâng cao tính nhịp điệu và độ chính xác của động tác.

– Phương pháp giảng giải và trực quan để sửa chữa những khuyết điểm và đi sâu vào chi tiết động tác.

– Phương pháp lặp lại ổn định nhằm xây dựng định hình kỹ thuật động tác vững chắc.

– Phương pháp biến đổi nhằm nâng cao khả năng vận dụng kỹ thuật động tác được học.

Trong giai đoạn này động tác kỹ thuật chưa bền vững và ổn định bền vững nên cần chú ý một số điểm sau :

– Tăng cường đánh giá và tự đánh giá kết quả thực hiện động tác.

– Do động tác chưa bền vững cần lặp lại nhiều do đó cần giáo dục ý thức tự giác và kiên trì rèn luyện.

– Việc phức tạp hoá điều kiện thực hiện cần phải theo nguyên tắc tăng dần và dễ tiếp thu để tránh phá vỡ động tác kỹ thuật đã hình thành.

Khi kỹ thuật động tác đã ổn định có thể chuyển sang giai đoạn sau.

3.3 Giai đoạn tiếp tục củng cố và hoàn thiện.

Mục đích của giai đoạn này là làm cho động tác kỹ thuật trở nên bền vững và có thể áp dụng trong thực tiễn thi đấu. Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này cần tiến hành tập luyện động tác trong các điều kiện khác nhau làm cho kỹ thuật trở nên tự động hoá và phù hợp với đặc điểm cá nhân.

Phương pháp giảng dạy được sử dụng trong giảng giải này là :

– Phương pháp trò chơi và phương pháp thi đấu. Tuỳ thuộc vào mức độ ổn định và mức độ hoàn thiện của động tác mà cách thức tiến hành trò chơi và thi đấu khác nhau.

– Phương pháp lặp lại và phương pháp biến đổi.

– Phương pháp vận động tư duy nhằm làm cho động tác thích ứng với đặc điểm cá nhân.

Trong giai đoạn này của giảng dạy kỹ thuật động tác ngoài việc đạt được sự điêu luyện động tác cần phải thường xuyên chú ý kết hợp với rèn luyện chiến thuật và thể lực. Những yếu tố này giúp động tác hoàn hảo hơn và có ý nghĩa hơn trong thực tiễn thi đấu.

Giai đoạn hoàn thiện là giai đoạn kết thúc của quá trình dạy động tác. Tuy nhiên, giai đoạn này trên thực tế là không có kết thúc, trong thực tiễn tập luyện và thi đấu kỹ thuật động tác ngày càng hoàn hảo và điêu luyện hơn.

Trên đây là toàn bộ mục đích, yêu cầu, phương pháp, nguyên tắc, giai đoạn dạy học bóng đá cho mọi đối tượng từ trẻ em tới người lớn, từ chưa biết đến biết.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*