BÓNG ĐÁ VÀ CUỘC SỐNG
I. VỊ TRÍ CỦA BÓNG ĐÁ TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI.
Bóng đá hiện tại ra đời vào giữa thế kỉ XIX tại nước Anh. Sau khi xuất hiện, Bóng đá đã nhanh chóng trở thành môn thể thao được ưa chuộng ở rất nhiều nước châu Âu, và mau chóng phát triển rộng ra khắp thế giới. Bóng đá dần dần có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của xã hội. Một nhà xã hội học đã khái quát một hình ảnh về Bóng đá như sau: Bóng đá đã thổi lên ngọn lửa tình yêu cuộc sống của nhân loại, là tiếng nói chung lớn nhất trên hành tinh của chúng ta, dù có khác nhau về dân tộc, tôn giáo và chính trị.
Thế kỉ XX đã tạo nên những bước ngoặc phát triển kì diệu về khoa học – kỹ thuật, trong đó có lĩnh vực phục vụ giải trí cho con người. Thế nhưng môn bóng đá – một trò chơi giải trí khá đơn giản – đã không hề bị bỏ rơi. Trái lại, Bóng đá ngày càng được con người văn minh ưa chuộng, càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội của loài người.
Bóng đá đã và đang được phát triển rất mạnh ở hầu khắp các châu lục, từ những nước chậm phát triển, nghèo đói đến những nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất hành tinh, nơi nào bóng đá cũng được mọi tầng lớp xã hội đón nhận với sự quan tâm đặc biệt. Những nước như Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật… đứng hàng đầu thế giới về phát triển khoa học kỹ thuật cũng như kinh tế, cũng là những nước phát triển Bóng đá rất mạnh. Những nước nghèo của Châu Phi như: Cameroom, Nigeria, Senegan… lại cũng là những nước có đội tuyển bóng đá vào hàng các đội mạnh trong các giải thế giới.
Bóng đá là môn thể thao có số lượng khán giả lớn nhất, không chỉ so với các môn thể thao khác, mà có thể so với bất kỳ môn nghệ thuật trình diễn nào khác. Một trận bóng đá lớn, một giải bóng đá thế giới đều có hàng triệu triệu người ở khắp năm châu quan tâm theo dõi. Bóng đá lúc ra đời chỉ đơn thuần là một môn hoạt động thể thao giải trí, đã dần trở thành một hình thái hoạt động mang tính nghệ thuật cao, chiếm vị trí rất đặc biệt trong đời sống xã hội và trở thành một động lực góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Những giá trị to lớn mà Bóng đá có thể mang lại cho đời sống xã hội của con người cả về mặt tinh thần và vật chất thể hiện ở những lĩnh vực sau:
1. Giá trị trong lĩnh vực giáo dục thể chất con người
Nằm trong hệ thống các phương tiện giáo dục thể chất, cũng như nhiều môn thể thao khác, Bóng đá được coi là môn thể thao có giá trị rất lớn để phát triển thể chất và sức khoẻ cho con người, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Tập luyện Bóng đá một cách khoa học, đúng phương pháp sẽ giúp cho cơ thể phát triển toàn diện, cân đối. Có thể tập, nói đúng hơn là chơi Bóng đá rất sớm, từ tuổi mẫu giáo, tiểu học, với mục đích làm cho trẻ em nhanh nhẹn, cứng cáp. Nhưng tập Bóng đá một cách có hệ thống thì nên bắt đầu ở lứa tuổi từ 8-10, đó là lúc cơ thể trẻ em có thể thích ứng với hoạt động Bóng đá và tiếp nhận một cách có hiệu quả những tác động tích cực mà hoạt động Bóng đá mang lại.
Tập luyện Bóng đá một cách hệ thống sẽ làm cho trẻ em khoẻ mạnh, đặc biệt phát triển về khả năng nhanh nhẹn, khéo léo, linh hoạt và mạnh mẽ. Nhưng kỹ năng điều khiển quả bóng – nhờ tập luyện rất công phu mới có được – sẽ giúp trẻ em tăng khả năng về phản xạ thần kinh, về tính linh hoạt vận động, là những yếu tố rất quan trọng trong tất cả mọi công việc đòi hỏi sự tinh tế của con người. Với hoạt động ngoài trời là chủ yếu, Bóng đá còn giúp con người gần gũi, gắn bó hơn với môi trường thiên nhiên, làm tăng khả năng dưỡng dục cả về tâm lực và trí lực.
Trong nhiệm vụ giáo dục thể chất cho thanh thiếu niên, Bóng đá luôn luôn phát huy được hiệu quả cao bởi nó được tuổi trẻ ham thích và tập luyện một cách chủ động, tự giác và thường xuyên. Mặt khác, để có thể tập luyện, chơi, thi đấu, Bóng đá không đòi hỏi những điều kiện phức tạp, tốn kém. Chỉ một trái bóng và một khoảng trống, một bãi đất, thậm chí một đoạn đường vắng cũng có thể có một trận thi đấu Bóng đá sôi nổi.
Tuổi trẻ thích chơi Bóng đá là để thoả mãn niềm đam mê, ham thích vận động, là để được chứng tỏ tài năng làm chủ quả bóng tròn của mình và cũng là để so tài với bạn bè. Nhưng trên tất cả là được tăng cường sức khoẻ, sảng khoái tinh thần do cuộc chơi, do môi trường thiên nhiên khoáng đạt mang lại.
Tập luyện và thi đấu Bóng đá là hoạt động có cường độ cao, đối kháng trực tiếp, là hoạt động đòi hỏi sự chuẩn mực của các kỹ năng điều khiển quả bóng tròn (bằng đôi chấn ít khéo léo hơn đôi tay)…, do đó cần một sự tập luyện chuyên cần ở tuổi trẻ. Để thành tài thì khổ luyện luôn chiếm phần nhiều hơn so với năng khiếu bẩm sinh. Đó là đặc điểm của Bóng đá. Vì vậy, để thành cầu thủ giỏi cần phải trải qua một quá trình tập luyện có hệ thống, lâu dài, với nỗ lực rất cao trong một công việc vất vả. Quá trình đó tự nó đã là một yếu tố quan trọng tạo nên đặc tính tâm lý tích cực của con người, mà trước hết là ý chí, nghị lực vượt khó, là tính kiên nhẫn trong nỗ lực duy trì tập luyện có hệ thống, tích luỹ kinh nghiệm thi đấu qua năm tháng với các điều kiện, môi trường rất khác nhau.
Bóng đá là môn thể thao đối kháng trực tiếp, với luật chơi cho phép dùng sức mạnh “Thân chống thân” và diễn ra với tốc độ cao, trong không gian rộng lớn, đòi hỏi các cầu thủ không chỉ đáp ứng tốt về sức mạnh, tốc độ hay kỹ thuật cá nhân điêu luyện, mà phải có tính chiến đấu, lòng dũng cảm cao hơn bình thường. Bóng đá là môn thể thao dành cho những người dũng cảm và bản thân hoạt động đá bóng đã giúp cầu thủ rèn luyện, phát triển một cách hữu hiệu các tố chất tâm lý này. Như vậy, tập luyện bóng đá làm thay đổi theo hướng tích cực các khả năng tâm lý của tuổi trẻ.
2. Giá trị trong lĩnh vực giáo dục đạo đức, phẩm chất con người.
Có thể nói, Bóng đá là một phương tiện giáo dục thanh, thiếu niên có hiệu quả cao, nhất là trong môi trường giáo dục của nhà trường. Trong công tác Đoàn, Đội, Bóng đá luôn là một nội dung hoạt động tích cực được lựa chọn với nhiều mục đích, trong đó mục đích giáo dục được coi trọng.
Bản thân Bóng đá là một hoạt động thể thao mang lại lợi ích về sức khoẻ, về phát triển hài hoà thể chất, tinh thần cho người tập như phần lớn các môn thể thao khác. Nhưng bóng đá còn có một ưu thế đặc biệt, đó là tính hấp dẫn rất cao của nó đối với tuổi trẻ. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tập trung trẻ vào các hoạt động lành mạnh, có ích lợi mà đoàn thể cần sử dụng vào mục đích giáo dục của mình.
Bóng đá là môn thể thao tập thể, ở đó mọi cá nhân cùng phối hợp, đóng góp tài năng của bản thân làm cho đội bóng trở nên mạnh, để có thể giành chiến thắng. Mọi cá nhân trong đội bóng muốn phát huy tốt khả năng của mình đều phải dựa vào sự hỗ trợ của đồng đội. Không một tài năng nào, dù kiệt xuất tới đâu có thể một mình làm nên chiến thắng. Ngược lại, một cá nhân có thể chưa mạnh nhưng sẽ trở nên mạnh khi được tập thể cả đội hỗ trợ, chia sẻ. Như vậy, Bóng đá là một phương tiện giáo dục tính cộng đồng tập thể cho tuổi trẻ rất có giá trị.
Việc tập luyện và thi đấu bóng đá đòi hỏi cầu thủ phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt về chuyên môn, về tổ chức, trong đó có nguyên tắc duy trì kỷ luật tập thể đội bóng. Một đội bóng sẽ giảm sút sức mạnh, giảm sút tính chiến đấu, thậm chí có thể bị tan rã nếu các cá nhân không gắn kết với nhau bằng một kỷ luật tập thể chặt chẽ. Tính kỷ luật cao ở mỗi người sẽ giúp các cầu thủ duy trì được sự khổ luyện trong thời gian dài cần thiết và chỉ có như vậy cầu thủ mới thành tài. Bóng đá là một phương tiện hữu hiệu giáo dục tính kỷ luật tập thể cho tuổi trẻ.
Đối với công tác giáo dục thanh thiếu niên, ở nơi nào biết tổ chức tốt các hoạt động thể thao, nhất là hoạt động Bóng đá, thì ở đó có nhiều điều kiện để đạt kết quả cao. Cần tổ chức hoạt động bóng đá như một nội dung sinh hoạt hấp dẫn để thu hút lớp trẻ vào một hoạt động lành mạnh chống lại các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút… Tổ chức FIFA và các tổ chức bóng đá quốc gia đang cổ vũ cho ý tưởng “Bóng đá đẩy lùi ma tuý”. Đó cũng là lời kêu gọi mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, hãy tham gia hoạt động bóng đá để nâng cao thể chất và đạo đức, làm lành mạnh hoá xã hội.
3. Giá trị trong lĩnh vực giao lưu xã hội.
Với tính phổ cập rất cao và quy mô phát triển rộng khắp, Bóng đá đã trở thành một phương tiện, một điều kiện giao lưu xã hội hữu hiệu. Phạm vi giao lưu qua phương tiện hoạt động bóng đá có thể thấy rất rõ ở nhiều cấp độ: Giữa các cơ sở, địa phương, giữa các tỉnh thành, các quốc gia và châu lục.
Ở bóng đá đỉnh cao (Cấp độ các đội tuyển), hoạt động thi đấu Bóng đá thường trở thành điểm nhạy cảm, thu hút được sự chú ý quan tâm của nhiều người, nhiều tầng lớp xã hội. Việc quảng bá, giới thiệu về nhau sẽ đạt hiệu quả cao khi biết sử dụng hoạt động thi đấu Bóng đá làm phương tiện giao lưu xã hội. Điều này có thể thấy rõ trong lĩnh vực du lịch.
Ngày nay, những giải Bóng đá lớn, những trận thi đấu lớn đã trở thành một dịp hội tụ, gặp gỡ các cầu thủ, các cổ động viên, các khách du lịch, các nhà kinh tế và đôi khi là của các chính sách. Bóng đá trở thành chiếc cầu giao lưu nối gần lại những cách biệt không chỉ về lĩnh vực địa lí, mà với cả các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, văn hoá…, là cơ hội để tìm hiểu, học hỏi, trao đổi mọi vấn đề của xã hội loài người. Bóng đá được mệnh danh là tiếng nói hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc, làm cho thế giới gần lại nhau hơn.
4. Giá trị trong lĩnh vực giải trí.
Bóng đá cũng như nhiều môn thể thao khác và giống với các môn nghệ thuật trình diễn là có giá trị giải trí cao. Hoạt động của Bóng đá không chỉ hấp dẫn con người ở lĩnh vực thưởng thức tính nghệ thuật của trình diện, mà còn rất hấp dẫn, lôi cuốn người ta vào hoạt động “Tự trình diễn”. Sau những giờ làm việc, học tập mệt mỏi, nhiều người lựa chọn vận động, hoặc màn hình nhỏ để thư giãn, giải trí với những trận bóng đá hấp dẫn; và cũng có nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ lại chọn sân bãi, quả bóng tròn làm phương tiện giải trí cho mình. Bóng đá là môn thể thao có “ma lực” lôi cuốn cả người xem và người chơi.
Ngày nay, tham gia vào các trận thi đấu bóng đá lớn, các giải Bóng đá lớn như giải cúp châu Âu, châu Nam Mỹ, Cúp thế giới… không chỉ có các cầu thủ và hàng ngàn khán giả trên sân vận động, mà còn hơn thế rất nhiều, hàng tỷ người ở khắp hành tinh say sưa “Sống cùng bóng đá” qua các phương tiện thông tin đại chúng. Số lượng người có nhu cầu thưởng thức bóng đá trên thế giới là rất lớn, đã vượt xa bất cứ môn nghê thuật giải trí nào khác.
Đối với tuổi trẻ, học sinh, sinh viên, bóng đá là một trong những hoạt động giải trí được sự lựa chọn nhiều nhất khi có thời gian tự do. Tuy nhiên, các điều kiện về cơ sở sân bãi vẫn là những khó khăn, nhất là ngay nay xu thế đô thị hoá đang phát triển mạnh, các sân chơi thể thao cho trẻ em đang hiếm dần. Cần tổ chức lại các hoạt động thể thao nói chung và bóng đá nói riêng theo các hình thức câu lạc bộ. Và đặc biệt, cần dành những sân chơi thể thao cho tuổi trẻ, để bóng đá thật sự phát huy thế mạnh của nó trong lĩnh vực giáo dục và giải trí cho thế hệ trẻ.
5. Giá trị trong lĩnh vực kinh tế.
Xuất xứ của Bóng đá lúc đầu là hoạt động giải trí và những người chơi bóng đá, cũng như các môn thể thao khác đều là nghiệp dư. Nhưng với đặc thù riêng ở tính hấp dẫn cao, ở mức phát triển rộng khắp và mang tính chất chi phối tới đời sống xã hội, Bóng đá đã nhanh chóng tiến theo con đường chuyên nghiệp. Bóng đá nhà nghề ra đời ở châu Âu từ đầu thế kỷ XX. Kết thúc thế kỉ XX, bóng đá chuyên nghiệp đã có mặt ở tất cả các châu lục trên hành tinh.
Bóng đá chuyên nghiệp có nghĩa Bóng đá là một nghề. Những người làm Bóng đá chuyên nghiệp sống bằng nghề bóng đá. Như vậy, Bóng đá chuyên nghiệp đã tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận xã hội và đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển.
Ngày nay, những CLB bóng đá chuyên nghiệp mạnh trên thế giới đều gắn liền với những tổ chức công nghiệp, doanh nghiệp lớn và trở thành một bộ phận sinh lợi của nó. Như vậy, bóng đá chuyên nghiệp đã bước vào thương trường và trở thành một ngành kinh doanh sinh lợi.
Tổ chức bóng đá Thế giới (FIFA) điều hành các hoạt động bóng đá chuyên nghiệp thế giới có doanh thu ngang với doanh thu của những tập đoàn kinh tế trên thế giới. Vì vậy, FIFA đã có điều kiện để giúp đỡ, hỗ trợ một cách hiệu quả nhiều nước thành viên phát triển bóng đá mạnh mẽ, đặc biệt là phát triển bóng đá trẻ, bóng đá học đường. Ở những quốc gia có nền bóng đá phát triển mạnh, doanh thu mà bóng đá mang lại được coi là sánh ngang với doanh thu của ngành du lịch và trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Trên đây là các giá trị cốt lõi của môn bóng đá đem lại. Qua bài viết Trung tâm tổ chức sự kiện, tổ chức các giải bóng đá Nam Việt muốn giới thiệu cho mọi người biết.
Để lại một phản hồi