CHƯƠNG II.
KỸ THUẬT BÓNG ĐÁ
I. ĐỊNH NGHĨA VÀ PHÂN LOẠI KỸ THUẬT BÓNG ĐÁ:
1. Định nghĩa:
Kỹ thuật bóng đá bao gồm các động tác, hành động của các cầu thủ trên sân trong quá trình thi đấu.
Kỹ thuật cơ bản của môn bóng đá là những kỹ thuật quan trọng nhất mà cầu thủ cần nắm vững để thực hiện phối hợp một cách thuận lợi. Sự vận dụng kỹ thuật phải luôn căn cứ vào tình hình trên sân và khả năng của cầu thủ.
2. Phân loại:
Kỹ thuật Bóng đá rất đa dạng. Trên sân rộng, các cầu thủ xử lý bóng lúc lăn sệt, lúc bay bổng vv….bằng nhiều bộ phận cơ thể: đầu, vai, ngực, bụng và chân (đối với thủ môn còn được dùng tay trong khu 16,50m của sân đội mình). Mặt khác, trong quá trình thi đấu, các cầu thủ phải thường xuyên di chuyển bằng phương pháp: đi, chạy, nhảy…để phù hợp với tình huống tấn công và phòng ngự. Căn cứ vào đặc tính của các hoạt động đó, có thể chia kỹ thuật Bóng đá làm 2 loại:
- Hoạt động không có bóng.
- Hoạt động có bóng.
II. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KỸ THUẬT BÓNG ĐÁ
Kỹ thuật là tổng hợp những động tác hợp lý mà vận động viên sử dụng trong khi thi đấu. Trải qua quá trình luyện tập lâu dài, gian khổ và qua thực tế thi đấu, kỹ thuật sẽ được từng bước hình thành, phát triển và hoàn thiện dần. Trên thực tế điểm cốt lõi của kỹ thuật bóng đá chính là những kỹ thuật đá bóng. Trong thời kỳ đầu tiên kỹ thuật bóng đá vẫn còn hết sức đơn giản, thô sơ và các cầu thủ chỉ biết đá mạnh về phía trước. Tuy nhiên đến đầu thế kỷ này kỹ thuật bóng đá đã có những tiến bộ vượt bậc, ngoài việc dùng mu và mũi bàn chân để đá bóng, các cầu thủ còn sử dụng cả mu trong để đá bóng và bắt đầu chú ý tới lực và hướng tiếp bóng.
Vào đầu những năm 30 đã xuất hiện kỹ thuật đánh gót: dùng gót chân đưa bóng về phía sau. Đến thập kỷ 40, môn bóng đá đã nhanh chóng được phổ cập và kỹ thuật đá bóng cũng được phát triển toàn diện. Các cầu thủ đã sử dụng các kỹ thuật đa dạng như đá bóng bằng lòng bàn chân, má trong, má ngoài sút mu chính diện… cho đến những kỹ thuật có độ khó cao như quay người đá bóng, ngã người đá móc, đá vô lê… Bước vào thập kỷ 50, kỹ thuật đá bóng tuy không thay đổi nhiều về thực chất, nhưng tư thế và những động tác của cơ thể khi đá bóng lại có những cải tiến và biến hóa khá lớn. Trong thời kỳ này đã xuất hiện các kỹ thuật như: xoạc bóng, đá nửa nảy, cắt bóng, đá bóng theo hình vòng cung… đồng thời, tính chẩn xác và độ bí mật của những đường truyền bóng cũng được nâng cao và không ngừng hoàn thiện. Trình độ dứt điểm (sút cầu môn) cũng được nâng cao rất nhiều và các cầu thủ có thể nhanh chóng tung chân sút bóng mà không cần lấy đà trong tất cả mọi tình huống và vì vậy nó đã làm tăng thêm tính bất ngờ trong thi đấu.
Từ thập kỷ 70 cho đến nay, sự phát triển của kỹ thuật bóng đá được thể hiện cụ thể qua các mặt sau : Tốc độ đá bóng nhanh hơn, độ khó cao hơn các kỹ thuật đa dạng hơn làm tăng thêm tính bí mật, tính bất ngờ và tính thực dụng của các đường bóng. Có thể nói trong gia đoạn này, kỹ thuật đá bóng đã đạt tới một mức độ phát triển toàn diện.
Cùng với sự phát triển của kỹ thuật đá bóng, kỹ thuật dừng bóng chỉ đơn giản là dùng lòng hoặc một bộ phận của bàn chân để dừng hoặc giẫm lên bóng. Cùng với thời gian, kỹ thuật dừng bóng cũng không ngừng được nâng cao và các cầu thủ có thể dừng bóng bằng một chân, hai chân, bằng bắp chân, má trong lòng bàn chân, bằng đùi hoặc bằng ngực.
Đến thập kỷ 50, 60 kỹ thuật dừng bóng đã được đa dạng hóa và các cầu thủ có thể sử dụng các bộ phận như má trong, mu, má ngoài, mũi bàn chân, đùi ngực, đầu để dừng bóng. Căn cứ vào từng tình huống cụ thể các cầu thủ sẽ lựa chọn những phương pháp khác nhau để dừng bóng khi : bóng lăn trên mặt đất, bóng ở tầm thấp, bóng bật đất, bóng ở tầm cỡ. Tuy nhiên dù sử dụng phương pháp nào thì các cầu thủ cũng phải tuân theo trình tự tiến hành như sau : làm chậm tốc độ bóng – dừng bóng – bắt đầu chuyển động. So với kỹ thuật dừng bóng “chết” trước kia kỹ thuật dừng bóng trong giai đoạn này đã một bước tiến độ vượt bậc. Từ thập kỷ 70 cho đến nay, sự phát triển của kỹ thuật dừng bóng có thể qui nạp lại thành mấy điểm sau :
- Kỹ thuật dừng bóng “chết” đã bị thay thế hoàn toàn bằng kỹ thuật đỡ bóng.
- Những kỹ thuật dừng bóng không hợp lý dần dần đã bị loại bỏ.
- Khi đỡ bóng phải đồng thời phối hợp với các động tác tiếp theo để tạo thành một thể thống nhất và hình thành một sổ kỹ thuật.
Kỹ thuật dẫn bóng cũng đã trải quan một quá trình phát triển lâu dài từ thấp đến cao. Thở ban đầu kỹ thuật dẫn bóng chủ yếu là do vận động viên dùng mũi bàn chân đẩy bóng về phía và sau đó chạy đuổi theo. Do kỹ thuật phòng thủ đã được nâng cao buộc các tiền đạo phải có sự khống chế hiệu quả với trái bóng và điều này đã thúc đẩy sự phát triển của kỹ thuật dẫn bóng. Đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện kỹ thuật dẫn bóng theo đường gấp khúc (thay đổi phương hướng và tốc độ) . Trong giai đoạn này động tác giả được tiến hành theo trình tự “ động – tĩnh – động” với tốc độ chậm. Khi kỹ thuật dẫn bóng đã được phát triển và hoàn thiện thì động tác giả của cầu thủ cũng được thực hiện thoải mái, nhẹ nhàng và đa dạng hơn. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là dùng thân trên và hai chân để thực hiện các động tác giả với bóng và không bóng. Về mặt này các cầu thủ Nam Mỹ luôn luôn đứng ở vị trí dẫn đầu. Cùng với sự phát triển toàn diện của bóng đá, nhất là trong kỹ thuật phòng thù (kèm người chặt) , trình độ dẫn bóng của các cầu thủ cũng ngày một nâng cao. Có thể sơ lược tóm tắt thành mấy điển cụ thể sau
- Kỹ thuật dẫn bóng đơn ngày càng bị thu hẹp và các kỹ thuật tổ hợp ngày một tăng lên.
- Sử dụng hợp lý các bộ phận của cơ thể để dẫn bóng qua người.
- Động tác ngày càng được phát triển theo xu hướng hợp lý và thực dụng.
- Thực hiện động tác một cách nhanh chóng và thành thục.
– Tóm lại kỹ thuật bóng đá được phát triển từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao… trong suốt lịch sử phát triển của môn thể thao này. Nhân tố chủ yếu thúc đẩy sự phát triển không ngừng của các kỹ thuật bóng đá là :
- Sự tác động qua lại giữa các kỹ thuật tấn công và phòng thủ đã thúc đẩy sự ra đời, phát triển và không ngừng hoàn thiện của các loại kỹ thuật. Đây chính là động lực chủ yếu để thúc đầy sự phát triển và nâng cao, hoàn thiện của các kỹ thuật bóng đá.
- Sự thay đổi của các điều luật là nhân tố chỉ đạo cho việc phát triển của kỹ thuật bóng đá.
- Việc nâng cao tình trạng thể lực của các cầu thủ cũng là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển kỹ thuật bóng đá.
- Kỹ thuật là cơ sở thực hiện của chiến thuật lại thúc đẩy việc nâng cao trình độ kỹ thuật của các cầu thủ. Trên thực tế, trình độ của môn thể thao bóng đá cũng từng bước được nâng cao cùng với sự phát triển của kỹ, chiến thuật.
- Do công tác nghiên cứu khoa học về thể dục thể thao ngày càng được áp dụng mạnh mẽ, cho nên những hiểu biết về cơ cấu giải phẫu và qui tắc hoạt động của cơ thể cũng không ngừng được những cơ sở khoa học cần thiết để phát triển kỹ thuật bóng đá.
– Trong bất cứ hoàn cảnh và thời điểm nào dù là trong quá khứ, trong hiện tại hoặc trong tương lai thì kỹ thuật bóng đá cũng đều là nhân tố chủ đạo quyết định sự phát triển của môn thể thao này.
Trong thi đấu, các cầu thủ rất coi trọng yếu tố thời gian. Bởi thế, ngày nay các cầu thủ phải có khả năng nắm vững kỹ thuật trong khi di chuyển nhanh, khi chạy, nhảy…
Trường phái kỹ thuật đơn giản, hiệu quả và chủ yếu là thực hiện nhanh thể hiện rõ nét ở nhiều đội mạnh Châu Âu (Anh, Tây Đức, Bồ Đào Nha, Liên Xô). Các cầu thủ của trường phái này điều khiển bóng rất hợp lý, tổ chức tấn công có phối hợp chặt chẽ, nhịp điệu nhanh và hiệu quả cao. Những yếu tố này có ưu thế lớn trong việc phát triển kỹ thuật bóng đá ngày nay.
Trường phái Nam Mỹ thiên về kỹ thuật điêu luyện, luôn luôn di chuyển nhẹ nhàng, thoải mái trên sân khi điều khiển bóng. Họ có vốn kỹ thuật rất phong phú và có khả năng lựa chọn biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết các nhiệm vụ cần thiết trong thi đấu. Họ nắm rất vững và sử dụng thuần thục các kiểu giữ bóng khác nhau bằng các bộ phận của cơ thể. Đá bóng thẳng, vòng cung, các động tác giả độc đáo, chuyền bóng, đột phá làm cho đối phương không hiểu nổi ý đồ của người làm động tác.
Hai trường phái này đều có những mặt mạnh, mặt yếu riêng và phản ánh xu hướng không ngừng tiến tới sự hoàn thiện tột đỉnh cuả nền Bóng đá thế giới. Tính khoa học và hợp lý của một số đội manh ở Châu Âu đáp ứng được nhữnh nhu cầu nhất định về vấn đề tốc độ cực nhanh của môn Bóng đá hiện đại, song lại hạn chế trong việc nâng cao kỹ thuật cá nhân tới mức điêu luyện để thoả mãn nhu cầu kỹ thuật ngày nay. Nghệ thuật Bóng đá Nam Mỹ bù đắp được những thiếu sót về kỹ thuật đó, nhiều cầu thủ trở thành những ngôi sao với tài năng đột phá cá nhân tuyệt diệu. Nhưng nhìn chung, trường phái này lại mang nặng tư tưởng biểu diễn, bay bướm, hạn chế không ít tới tính khoa học, tới sự phối hợp chặt chẽ giữa các cầu thủ, tới tốc độ trận đấu. Qua 10 giải vô địch thế giới trường phái Bóng đá Nam Mỹ đoạt giải 5 lần, trường phái Bóng đá Châu Âu 5 lần. Nhìn chung, các kết qủa của từng giải cũng như toàn bộ các giải thể hiện sự cân bằng của 2 trường phái này. Và họ đều phấn đấu cho một lối chơi lý tưởng là tốc độ trận đấu cực nhanh, kết hợp với kỹ thuật điêu luyện. Vì thế, từng trường phái đều cố gắng khắc phục phục những nhược điểm của mình để tiến tới tối ưu.
Trong quá trình phát triển kỹ thuật Bóng đá không ngừng được bổ sung và hoàn thiện bởi những động tác mới đồng thời hạn chế dần những động tác lỗi thời, ít hiệu quả. Chất lượng thực hiện kỹ thuật động tác mỗi năm một tăng lên. Nguồn nâng cao trình độ kỹ thuật của các cầu thủ là do sự phát triển của các tổ chức Bóng đá thanh thiếu niên, do sự nâng cao khối lượng và chất lượng của công tác giảng dạy và huấn luyện. Phương pháp huấn luyện cá nhân có ý nghĩa quan trọng, làm cầu thủ yêu thích các buổi tập kỹ thuật, nâng cao chất lượng thực hiện kỹ thuật, thúc đẩy họ rèn giũa sở trường của mình và tiếp thu những động tác mới. Nguồn thứ hai tạo cho việc tiếp thu động tác kỹ thuật nhanh là việc sử dụng những thiết bị chuyên môn trong công tác huấn luyện một cách rộng rãi
Sau khi học tập, tiếp thu động tác kỹ thuật thì phần quan trọng hơn là việc thực hiện những động tác đó với yêu cầu chính xác, nhanh và kín. Có như vậy mới có thể tranh thủ thời gian, tiết kiệm được sức, tiến hành thi đấu với nhịp điệu nhanh, phối hợp gắn bó và thu được kết quả cao.
Xung quanh kỹ thuật Bóng đá nói chung, ở mỗi cầu thủ còn có những động tác mà mình ưa thích, thường vận dụng trong trận đấu. Sự rèn luyện giữa những động tác như thế đến những chi tiết nhỏ nhất làm cho việc thực hiện kỹ thuật rất chính xác, tạo ra một phương hướng quan trọng trong sự phát triển kỹ thuật điều khiển bóng.
Những sự kiện đó sẽ làm cho kỹ thuật Bóng đá trong tương lai còn hiệu quả, hấp dẫn và hoa mỹ hơn nữa.
III. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT BÓNG ĐÁ
1. Hoạt động không bóng:
Trong thời gian thi đấu trên sân, hoạt động của các cầu thủ rất phức tạp và có nhiều khó khăn. Đối với cầu thủ, sự di chuyển (chạy và đi bộ) trên sân bóng chiếm đại bộ phận thời gian (khoảng 87 phút – 88 phút trong 90 phút của trận đấu).
1.1 Kỹ thuật chạy:
Trong hoạt động của cầu thủ, chạy chiếm một vị trí quan trọng, là phương tiện kỹ thuật cơ bản để di động trên sân bóng. Kỹ thuật chạy gồm: chạy thường, chạy giật lùi, di chuyển ngang, chạy đường vòng, chạy “chữ I”, chuyển thân… việc vận dụng kiểu từng chạy là tuỳ thuộc vào tình huống trên sân. Đặc điểm lối chạy của cầu thủ Bóng đá là tăng tốc độ, thay đổi tốc độ đột ngột, các cầu thủ bắt đầu chạy với các tư thế cơ thể khác nhau; sự di chuyển có nhịp điệu, tốc độ và cự ly khác nhau. Bên cạnh việc thay đổi tốc độ chạy, các cầu thủ còn có thể dừng lại đột ngột và bất ngờ thay đổi phương hướng chạy. Nhiều lúc, các cầu thủ chạy với tốc độ rất cao. Theo N.m lucsinốp (Liên Xô) thì trong một trận đấu, thời gian chạy trung bình của cầu thủ trung phong là 23 phút 37 giây, tiên đạo biên là 23 phút 07 giây, tiền vệ 28 phút 27 giây, trung vệ là 22phút 07 giây, hậu vệ biên là 20phút 45 giây gồm cả chạy thường, tốc độ cao, chaỵ bứt đột ngột; và quãng đường đã chạy của cầu thủ trong trận đấu tới 8 – 10km (theo N.M Lucsinốp) 10 – 15km (theo M.Khơutca)14,5km đến 17km (theo A.N Cretstôpnhicốp).
Khả năng nắm vững kỹ thuật chạy bảo đảm cho cầu thủ khả năng di chuyển linh hoạt, tận dụng những cơ hội thuận lợi trong trận đấu và tiết kiệm được sức trong khi phải thực hiện khối lượng thi đấu rất lớn.
Kỹ thuật chạy của cầu thủ có khác nhau so với kỹ thuật chạy của những vận động viên điền kinh. Trong khi thi đấu các cầu thủ chạy và thay đổi phương hương nhanh, thay đổi nhịp điệu chạy một cách bất ngờ, đột ngột dừng lại, xuất phát thật nhanh, có khả năng trong bất cứ lúc nào thay đổi tư thế chân trong khi dẫn bóng, có khả năng đuổi theo bóng và sút mà không giảm tốc độ… muốn thế, trọng tâm khi chạy phải thấp, bước chạy cũng phải ngắn hơn các vận động viên chạy ngắn. Động tác tay cũng khác với vận động viên chạy ngắn một chút. Ở vận động viên chạy ngắn, động tác tay chuyển động song song với thân còn ở cầu thủ thì từ tư thế tay đánh rộng theo mặt phẳng ngang nhiều hơn để tạo điều kiện giữ thăng bằng cho cơ thể và thay đổi phương hướng chạy. Kiểu chạy này còn bảo đảm sự thăng bằng tốt khi bị đối phương va chạm. Còn khi cần đuổi bóng hay đối phương thì cầu thủ chạy như những vận động viên chạy ngắn. Ngoài ra, động tác chạy nghiêng, chạy giật lùi cũng rất quan trọng, nó giúp cho cầu thủ có thể quan sát những phạm vi ngược chiều hay lệch hướng so với phương di chuyển của cơ thể. Những kiểu chạy này không cần nhanh nhưng đòi hỏi nhẹ nhàng, thoải mái để quan sát tình huống trên sân, quyết định biện pháp xử lý một cách thuận lợi.
Cầu thủ còn cần linh hoạt chuyển thân nhanh và bất bất ngờ. Trong thi đấu thường có sự thay đổi luôn giữa công và thủ, sự thay đổi vị trí của bóng mà cầu thủ phải chuyển thân 90o, 180o… để thay đổi phương hướng chạy thích hợp với tình thế chiến thuật. Khi dừng để chuyển thân cần lưu ý 2 yếu tố:
- Để dừng thật nhanh khi
tốc độ cơ thể đang lao mạnh vê phía trước, chân đạp đất cuối cùng phải dùng lực
lấy mép ngoài của chân tỳ đất là chủ yếu nhằm khắc phục quán tính cơ thể.
- Trọng tâm cơ thể hạ thấp, chân để rộng (bước chân dài) để dễ ghìm quán tính và dễ dàng xoay chuyển hướng.
1.2 Kỹ thuật nhảy:
Các động tác nhảy để thực hiện tranh bóng trên không. Những yếu tố sức bật, tốc độ chạy đà, lực dậm nhảy, năng lực phán đoán điểm rơi, thời gian dậm nhảy… quyết định kết quả của động tác trang bóng trên không. Thông thường, khi di chuyển thì các cầu thủ dậm nhảy bằng một chân còn khi đứng tại chỗ thì dậm nhảy bằng hai chân.
1.3 Kỹ thuật đi bộ:
Trong suốt 90 phút, thời gian đi bộ của các cầu thủ chiếm rất lớn (trên dưới 60 phút). Nếu lúc chạy, nhảy, điều khiển bóng các cầu thủ tiêu hao nhiều sức lực vì hoạt động với cường độ lớn thì thời gian này là lúc nghỉ ngơi, thả lỏng. Những cơ hội này xảy ra khi bóng ở phía xa các cầu thủ, chưa đòi hỏi sự di chuyển nhanh. Hoạt động đi bộ hay đứng tại chỗ chỉ nhằm đặt cầu thủ ở vị trí thích hợp với tình huống trên sân để kịp thời di chuyển nhanh, tham gia tích cực vao trận đấu.
2. Hoạt động có bóng:
Hoạt động có bóng của cầu thủ trên sân chiếm không nhiều thời gian nhưng có vị trí quan trọng bậc nhất và là nội dung trọng tâm của quá trình thi đấu. Theo các tài liệu nghiên cứu của các huấn luyện viên Hungari thì một cầu thủ trong suốt trận đấu (cầu thủ trung bình hạng quốc tế) tiếp xúc với bóng là 60 – 65 lần, trong đó thời gian tiếp xúc bóng trung bình là 125 – 135 giây. Tuỳ vị trí thi đấu trên sân mà số lần và số thời gian tiếp xúc bóng của cầu thủ có khác nhau.
- Thí dụ: tiền vệ tiếp xúc bóng nhiều hơn tiền đạo khoảng 20 – 25%. Theo tài liệu của Lucsinốp, chỉ tiêu tập luyện trung bình về thời gian và số lần tiếp xúc bóng trong các trận đấu của các cầu thủ Liên Xô là:
Các cầu thủ | Số lần tiếp xúc bóng | Thời gian tiếp xúc bóng (s) |
– Trung phong | 17,5 | 111.1 |
– Tiền đạo biên | 36,6 | 101,1 |
– Tiền vệ | 46,1 | 86,3 |
– Hậu vệ biên | 35 | 73,5 |
– Trung vệ | 53,3 | 29,1 |
Những cầu thủ xuất sắc khống chế bóng lâu hơn một chút: tiền đạo 165s, tiền vệ 122s, trung vệ 44s.
Thời gian có bóng của cầu thủ rất ngắn, nhưng lại đòi hỏi ở họ cách xử lý nhanh chóng, chính xác và thích hợp nhất với điều kiện thi đấu.
Những hoạt động có bóng này có thể chia ra làm 7 loại động tác kỹ thuật:
- Đá bóng và đánh đầu.
- Giữ bóng (dừng bóng, nhận bóng).
- Dẫn bóng.
- Động tác giả.
- Tranh cướp bóng.
- Ném biên.
- Kỹ thuật của thủ môn.
2.1 Đá bóng và đánh đầu
- Tầm quan trọng
Kỹ thuật đá bóng và đánh đầu là bộ phận quan trọng nhất của toàn bộ hoạt động có bóng. Có thể nói, đó là kỹ thuật cơ bản nhất trong các kỹ thuật cơ bản, được sử dụng phổ biến nhất trong quá trình tập luyện và thi đấu.
Suốt thời gian thi đấu, hầu như toàn bộ thời gian của các cầu thủ dùng để thực hiện những động tác đá – chuyền bóng, sút vào cầu môn, đá – phá bóng. Ngay cả động tác dẫn bóng cũng bao gồm hàng loạt những động tác đá – đẩy bóng liên tục trong khi di chuyển. Giữ bóng cũng là một dạng của động tác đá bóng có tính chất mềm mại. Trong những tình huống thi đấu khác nhau, các cầu thủ phải vận dụng những kỹ thuật đá bóng rất đa dạng để thích hợp với yêu cầu chiến thuật, bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Bởi thế, việc nâng cao chất lượng kỹ thuật đá bóng có ảnh hưởng rất lớn tới trình độ kỹ thuật của các cầu thủ và là cơ sở để nâng cao trình độ chiến thuật của toàn đội.
- Yêu cầu đối với động tác đá bóng, đánh đầu và cơ sở động lực học của nó.
Ngày nay, các kỹ thuật đá bóng và đánh đầu ở các nước có trình độ bóng đá xuất sắc trên thế giới đã trở nên rất phong phú và hiệu qủa. Qua từng giải vô địch thế giới, người ta thấy một số động tác mới có nhiều lợi thế được vận dụng rộng rãi đồng thời những động tác lỗi thời đang lùi về dĩ vãng. Ngay cả các cầu thủ nước ta, với khả năng còn hạn chế, cũng đã dần hoàn chỉnh các kỹ thuật đá, phấn đấu tới các kiểu đá bóng, đánh đầu toàn diện hơn, sắc bén hơn.
- Động tác đá bóng và đánh đầu phải chính xác.
Mặc dù động tác được thực hiện bằng những kiểu và mục đích khác nhau. Chúng ta hãy dựa vào phương pháp cơ học di chuyển để phân tích các thí di chuyển dụ giản đơn về đá bóng và đánh đầu. Việc phân tích này tiến hành trên sân phẳng, không tính các ảnh hưởng của không khí, trọng lực v.v…
Các động tác đá bóng và đánh đầu tuỳ thuộc vào biện pháp thực hiện mà có thể chia làm 2 loại: đá giữa bóng và đá lệch (không thẳng).
Các kiểu đá giữa bóng nếu như phương hướng đá thông qua trọng tâm của bóng thì bóng chuyển động theo hướng đá (hình 1).
Nếu đá bóng (hay đánh đầu) vào một bên nào đó của trọng tâm thì đó là kiểu đá bóng không thẳng. Trong thực tế, những kiểu đá bóng này được gọi là đá bóng vòng cung.
Khi đá bóng không thẳng, lực (Py) có thể chia thành 2 lực thành phần Pđ – lực làm cho bóng chuyển động, Pv – lực làm cho bóng xoáy. Sự chuyển động của bóng trong kiểu sút trong kiểu sút bóng này theo hướng lực Pđ và hơi lệch theo đuổi vòng cung về hướng bóng xoáy (hình 2).
Có trường hợp, cầu thủ từ vị trí rất thuận lợi đá bóng lệch cầu môn hoặc chuyền bóng hỏng. Đôi khi những sai lầm này là do khi làm động tác, bóng bất ngờ nảy lên vì sân không bằng phẳng; ảnh hưởng gió; cầu thủ không đuổi kịp bóng; không nhìn thấy đối phương. Nhưng bên cạnh những nguyên nhân này còn một số nguyên nhân khác được giải thích bằng quy luật chuyển động của bóng phụ thuộc vào vị trí tiếp xúc bóng, lực đá bóng, tốc độ ban đầu và phương hướng chuyển động của bóng.
Nếu cầu thủ đá bóng “chết” bằng một kiểu đá bóng đá thẳng nào đó, muốn chuyển tới điểm A thì cầu thủ đó cần đá theo phương hướng dùng lực qua trọng tâm của bóng và hướng qua điểm ấy (xem hình 1). Như vậy, bóng sẽ bay tới mục tiêu định đá. Còn nếu như hướng đá vào mục tiêu mà tiếp xúc sang bên cánh bóng một chút thì bóng sẽ đi lệch (hình 2). Ở trường hợp này, đó là kiểu đá vòng cung và bóng chuyển động theo hướng của lực Pđ nhưng lệch sang một bên.
Những động tác đá bóng thiếu chính xác như vậy là do thiếu chú ý, cẩu thả và thường là do sự huấn luyện thiếu sót. Các cầu thủ còn có thể mắc sai lầm về độ cao của bóng khi bay.
Đá vòng cung cũng có thể làm cho bóng bay đúng mục tiêu nhưng đòi hỏi phải có sự tập luyện công phu. Nếu đá vòng cung tới điểm A cần đá theo góc lệch một chút để lực làm bóng chuyển động (Pđ) lái cho bóng vào mục tiêu có sự tính toán hướng lệch do xoáy bóng. Tất nhiên khi đá vòng cung, tốc độ chuyển động của bóng có giảm so với đá bóng thẳng. (hình 3)
Khi thi đấu, các cầu thủ dùng mọi khả năng để đá bóng “động”, loại đá khó hơn nhiều so với bóng “chết”. Loại trừ những tình huống thi đấu phức tạp (thiếu thời gian để chuẩn bị đá, sự cần thiết phối hợp động tác của cầu thủ với bóng bay); chúng ta hãy xét thêm cầu thủ cần tính toán những gì để đá bóng theo hướng đã định?
Muốn đá bóng vào mục tiêu cầu thủ cần tính tới phương hướng và tốc độ chuyển động của bóng để xác định vị trí của bóng, phương hướng và lực cần đá bóng đi. Làm di chuyển dược điều này thật khó khăn bởi vì cầu thủ còn mất thời gian để xác định tình huống trận đấu.
Nhưng phương hướng và lực đá bóng phụ thuộc vào phương hướng và tốc độ của bóng bay đến như thế nào?
Giả sử bóng bay từ bên phải tới tốc độ Cn, còn cầu thủ đánh đầu cần thay đổi hướng chuyển động của bóng tới 90o (hình 4).
Qua hình vẽ này, rõ ràng là cầu thủ trong trường hợp đó cần phải làm động tác ngược hướng chuyển động của bóng 45o.
Nếu cầu thủ cần thay đổi hướng chuyển động của bóng tới 60o thì cần đánh ngược đầu hướng 30o(theo quy luật cơ học góc tới bằng góc phản xạ:gócA bằng góc B)
Vấn đề đề đặt ra là cầu thủ làm như thế nào để thay đổi hướng chuyển động của bóng khi đánh đầu?
Nếu trong trường hợp này, cầu thủ đánh đầu theo hướng vào mục tiêu làm cho bóng có tốc độ thì bóng không bay tới vị trí cần thiết vì phương hướng và tốc độ của bóng còn chịu ảnh hưởng của tốc độ ban đầu Cn. Nếu cho rằng tốc độ bằng tốc độ thì theo định luật dường chéo hình bình hành, 2 hình đó hợp thành tổng hợp lực Cđ có phương hướng lệch góc 45o và chúng ta thấy bóng đi sai mục tiêu rõ rệt (hình 5).
Muốn cho bóng bay vào mục tiêu, cầu thủ có thể đánh đầu ngược với hướng chuyển động của bóng một chút.
Nếu bóng có tốc độ chuyển động ban đầu Cn thì khi đánh đầu, nó lệch theo một góc độ (như trong những thí dụ đầu) của góc phản xạ và có phương hướng . Nhưng đồng thời lúc này động tác đánh đầu làm bóng bay theo tốc độ phụ ngược hướng chút một với bóng bay đến. Muốn xác định phương hướng chuyển động của bóng cần tổng hợp tốc độ và theo luật hình bình hành. Nếu giả sử rằng = thì trong trường hợp này, bóng bay vào cầu môn thay đổi hướng ban đầu tới 90o (hình 6).
Cầu thủ còn có thể đánh đầu đưa bóng vào đúng mục tiêu bằng kiểu vòng cung khi bóng bay đến theo hướng vuông góc (hình 7).
Trong động tác đá bóng nửa nảy, cầu thủ tiếp xúc bóng khi bóng vừa rời khỏi mặt sân. Bóng nảy từ mặt sân lên có tốc độ hướng lên trên theo một góc độ nào đó. Khi bóng nảy lên, cầu thủ lập tức đá bóng vào cầu môn. Cần phải tính lực nảy của bóng từ đất lên và lực đá của mình để có tổng hợp lực Cđ sao cho bóng không bay vọt xà ngang. Rõ ràng là bóng nửa nảy, tốc độ chuyển động của bóng nhanh hơn so với đá bình thường. Động tác điêu chỉnh khi đá bóng nửa nảy không chỉ thực hiện trong điều kiện thuận lợi mà ngay khi đấu, bóng nảy lệch sang một bên nào đó của cầu thủ thì cầu thủ vẫn cần thay đổi tư thế một chút để đá bóng bay với tầm và hướng thích hợp. Tất nhiên, đá bóng nửa nảy chỉ có thể thực hiện tốt trong trường hợp mặt đất bằng phẳng, bóng nảy lên không bị lỡ cơ hội (hình 8).
Qua sự phân tích trên, chúng ta thấy rằng các cầu thủ không thể có được công thức chính xác để xác định được phương hướng và lực sút đối với mỗi trường hợp, do đó chuyển động theo nhiều phương hướng với các tốc độ khác nhau. Điều quan trọng là qua đó tất cả các cầu thủ hiểu rõ nguyên nhân sai lầm của mình để rèn luyện thông qua các buổi tập và thi đấu.
- Đá bóng và đánh đầu phải mạnh.
Những cú sút không đủ lực làm hạn chế khu vực bắn phá cầu môn và bắt buộc phải có những đường chuyền phụ để tiếp cận cầu môn. Những đường chuyền đó làm cho đối phương kịp rút về phòng thủ. Nhưng ngược lại, nếu có khả năng bắn phá cầu môn từ xa sẽ bắt buộc hậu vệ phải ra xa kèm cầu thủ có bóng.
Vậy những động tác đá mạnh và tốc độ chuyển động của bóng cao phụ thuộc vào những điều gì?
Theo các quy luật cơ học, tốc độ chuyển động của vật thể nào đó khi bị lực tác dụng phụ thuộc vào tốc độ ban đầu, khối lượng và tính đàn hồi của vật thể đó. Do khối lượng của cầu thủ và bóng cũng như độ đàn hồi của bóng khi tiếp xúc vào bề mặt của giầy là ổn định nên có thể thấy rằng khi đá bóng “chết”, tốc độ của bóng phụ thuộc vào tốc độ chuyển động của cầu thủ.
Chúng ta hãy phân tích động tác đá bóng “chết”. Ban đầu khi đá, bề mặt chân và bóng va chạm nhau đều bị lún vào, trong đó bóng bị lõm nhiều. Trong khi tiếp xúc bóng đá và ngay cả khoảng khắc sau khi tiếp xúc bóng, chân đá và bản thân cầu thủ tiếp tục chuyển động với tốc độ cũ, còn bóng cũng lập tức có tốc độ chuyển động của chân. Mặt khác, một bộ phận bị nén của bóng và chân (giầy) bất đầu trở lại tư thế ban đầu (như hình cụ thể) khi bộ phận của bóng bị nén căng ra, đẩy chân về sau, cố gắng làm giảm tốc độ chuyển động của chân. Nhưng khối lượng của cầu thủ lớn gấp bội so với khối lượng của bóng nên tốc độ chuyển động của cầu thủ trên thực tế hầu như không thay đổi, còn bóng thì bị đẩy ra xa chân. Đồng thời, bộ phận bị nến của chân (giầy) cũng nở ra, đẩy bóng về phía trước làm tăng tốc độ chuyển động của bóng.
Bóng và chân cùng đẩy nhau với lực tương đương và cùng bị nến khi bắt đầu đá. Kết quả là bóng chuyển động trong khi tiếp xúc với chân, có tốc độ bằng tốc độ của chân. Sau có có tốc độ phụ (đàn hồi) nên bóng rời khỏi chân chuyển động với tốc độ lớn hơn gấp 2 lần. Nếu gặp vật thể không đàn hồi hoàn toàn, hệ số đàn hồi của bề mặt tiếp xúc thấp hơn 1 thì tốc độ của bóng có giảm xuống chút. Nhưng điều quan trọng là bí mật sức mạnh của cú sút phụ thuộc vào tốc độ chuyển động khi cầu thủ thực hiện động tác đá bóng.
Từ đó, chúng ta có thể hiểu được sự cần thiết khi đá bóng phải tiếp tục chuyển động chân (và cầu thủ) đến khi bóng rời chân. Nếu chân dừng chuyển động sớm thì bóng không đẩy thêm và tốc độ bay bị giảm đi phần nào. Ngoài ra, trong khi đá, chân phải giữ thật cứng (bằng cách giữ khớp cổ chân ở tư thế vững chắc).
Chúng ta hãy phân tích tốc độ chuyển động khi đá bóng.
1. Sự chuyển động của đùi vung về trước (chuyển động của khớp chậu – đùi)
2. Sự chuyển động của cẳng chân khi chuỗi khớp đầu gối.
3. Tốc độ chuyển động của cầu thủ trong khi thi đấu.
Sức mạnh của cú sút sẽ lớn nhất khi cả 3 thành phần này được tiến hành đồng thời. Nghệ thuật sức mạnh phụ thuộc rất nhiều vào cả 3 thành phần này.
Khi đá bóng tại chỗ (thường là dá bóng bay) tốc độ chuyển động của cầu thủ trong khi đá được thay thế bằng động tác xoay người của cầu thủ trên chân trụ, tạo tốc độ lớn hơn cho sự chuyển động của bóng.
Ngoài tốc độ của động tác, tốc độ bay của bóng, sức mạnh của cú sút còn chịu ảnh hưởng bởi độ đàn hồi của bóng và giầy.
Độ đàn hồi của bóng được quyết định bởi độ căng hơi và chất liệu làm bóng. Độ đàn hồi của bê mặt bàn chân tiếp xúc phụ thuộc một phần vào từng cầu thủ. Muốn tăng sức mạnh của các cú sút, giầy cần buộc chặt vào chân và mũi giầy cần cứng. Khối lượng của giầy cũng ảnh hưởng đến sức mạnh của cú sút, và nếu cầu thủ giảm khối lượng giầy thì sẽ làm giảm sức mạnh của cú sút giống như đóng đinh chịu ảnh hưởng của khối lượng búa.
Ngoài ra sức mạnh sút bóng còn chịu ảnh hưởng lớn ở tốc độ ban đầu của bóng (trước khi đá). Rõ ràng là khi đá bóng ngược chiêu, tốc độ bay của bóng sẽ lớn hơn và bằng tổng số + . Khi sút bóng mà có hướng chuyển động theo các phương khác nhau thì tốc độ bay của bóng (như các thí dụ trước) sẽ bằng tổng lực hình học của và .
Cho nên tính linh hoạt của khớp cổ chân và tốc độ chuyển động của khớp có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao độ chính xác và sức mạnh của động tác đá bóng và đánh đầu.
- Đá bóng và đánh đầu phải bất ngờ.
Mức độ phát triển kỹ thuật, chiến thuật của bóng đá ngày nay đòi hỏi các động tác đá bóng, chuyền bóng, đánh đầu phải bất ngờ, kín, che dấu được ý của mình.
Về biên độ vung chân khi đá bóng, chúng ta cũng thấy có những biến đổi lớn lao. Bốn mươi năm về trước, người ta nhấn mạnh: đá bóng phải vung chân thẳng, trục vung chân là khớp hông. Về sau, với sự phát triển của kỹ thuật, người ta cho rằng trục sút là khớp gối. Ngày nay trục sút bóng có xu hướng chuyển xuống dưới, tới tận cổ chân. Như vậy, động tác sút trở nên kín hơn, nhanh hơn, bất ngờ hơn và do đó hợp lý hơn.
Những yêu cầu trên của động tác đá bóng và đánh đầu cùng những cơ sở động lực học của nó đặt ra trước các vận động viên trách nhiệm rèn luyện gian khổ và sáng tạo. Phấn di chuyển đấu đạt tới trình độ đá bóng, đánh đầu điêu luyện theo M.D tôvabốp – ki, có nghĩa là “trong mọi tình huống, vận động viên ở bất kỳ tư thế nào cũng có thể dùng sức mạnh và tốc độ đá bóng tới mục tiêu trong thời gian cần thiết và lực đá cần thiết”.
Nội dung các kiểu đá bóng và đánh đầu.
Căn cứ vào vị trí tiếp xúc của chân và đầu với bóng, từ đó nảy ra những tính năng và đặc điểm khác mà người ta phân loại các kiểu đá bóng và đánh đầu.
- Động tác đá bóng: bằng
lòng bàn chân, mu giữa bàn chân, mu trong bàn chân, mu ngoài, má ngoài bàn
chân, mũi chân, gót chân và gầm bàn chân (hình 9).
- Động tác đánh đầu: bằng trán giữa, trán bên, đỉnh đầu (hình 10).
Hình 9. Các bộ phận của bàn Hình 10. Các vị trí của đầu đã
chân đá bóng tiếp xúc bóng
Các động tác này được thực hiện khi bóng chết, bóng lăn, bóng bay và tuỳ sự thuận lợi của động tác theo vị trí cầu thủ và mục tiêu đá bóng mà quyết định vận dụng kiểu này hay kiểu khác.
Trong quá trình phân tích yếu lĩnh
động tác. Bốn kỹ thuật đá chủ yếu (đá bóng bằng lòng, mu giữa, mu trong, mu
ngoài) được chia làm 5 giai đoạn để làm sáng tỏ những vấn đề hơn.
Đối với đá bóng Đối với đánh đầu
2. Đặt chân trụ 2. Tiếp xúc bóng
2.1.1 kỹ thuật đá bóng:
2.1.1.1. đá bóng bằng mu giữa bàn chân
Là kiểu đá bóng cơ bản và thông dụng trong thi đấu. Kiểu đá này có nhiều ưu điểm, tạo cho đường bóng đi căng và chính xác nên bên cạnh tác dụng chuyền bóng; nó có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong sút bóng vào cầu môn ghi bàn thắng hay phá bóng.
- Giai đoạn chạy đà.
Đường chạy lấy đà thẳng với hướng đá bóng đi. Tốc độ chạy đà tăng dần để có tốc độ lớn khi đá bóng. Khác với kiểu chạy của vận động viên điền kinh, ở đây độ dài bước chạy ngắn hơn nhưng tần số bước khá lớn, bước chân tiếp xúc đất không vượt trước hình chiếu xuống mặt đất của thân, thân người hơi lao về trước một chút. Động tác chạy đà như thế bảo đảm cho việc giữ thăng bằng của cơ thể và điều chỉnh cho giai đoạn đặt chân trụ đúng.
Bước cuối cùng bao giờ cũng dài hơn các bước trước để có thể đặt chân trụ thích hợp và có đủ thời gian lăng chân đá về sau; độ dài này tuỳ thuộc vào tốc độ chạy nhanh hay chạy chậm.
Biên độ động tác tay vung về cơ bản là lớn; tránh chạy đà cứng nhắc, không thả lỏng vừa phí sức vì căng thẳng, vừa ảnh hưởng tới nhịp điệu và độ chính xác của của toàn bộ động tác đá bong
- Giai đoạn đặt chân trụ.
Giai đoạn này tạo thành điểm tựa vững chắc của trọng tâm cơ thể để chân đá làm nhiệm vụ mấu chốt toàn bộ của toàn bộ động tác tiếp xúc bóng.
Nếu cầu thủ đá chân phải thì đặt chân trái làm trụ sang bên trái của bóng và ngược lại. Động tác đặt chân từ gót, rồi chuyển sang cả bàn chân chống đất, cách bóng một bàn chân (10 đến 15cm) về phía mũi bàn chân trụ đặt trong phạm vi từ ngang mép dưới của bóng (tuỳ thuộc vào tầm vóc và thói quen của từng cầu thủ) theo hướng định đá bóng đi.
Đầu khối chân trụ hơi khuỵu khi chân chống đất làm giảm độ lao của cơ thể đang chuyển động về phía trước và thân người hơi ngả sau tạo thế cân bằng cho cơ thể. Nhờ thế, cơ thể ở tư thế vững chắc để làm động tác kế tiếp.
Thân trên ở giai đoạn này thả lỏng, hai tay theo phản xạ nên tay hơi dang ngang để giữ thăng bằng, trọng tam cơ thể dồn hoàn toàn vào chân trụ.
Khi đặt chân trụ, nếu đặt từ mũi bàn chân xuống gót thì việc giảm độ lao của cơ thể không tốt, người không giữ được thăng bằng mà đổ về trước, do đó chân đá chưa vung hết ra sau đá phải vội vàng lăng về trước, lực đá bị yếu (do không phát huy hết khả năng làm việc của cơ) độ chính xác bị giảm.
Khi đặt chân trụ so với bóng không thích hợp thì:
- Nếu đặt chân trụ sau
bóng quá (đá vỡ) sẽ làm bóng bay lên cao (đá vọt).
- Nếu đặt chân trụ trước bóng quá sẽ làm bóng đi yếu và sệt.
- Nếu đặt chân trụ không song song với bóng (bẻ ra ngoài hoặc bẻ vào trong), hoặc xa bóng, gần bóng quá sẽ làm bóng bay lệch sang bên phải hoặc trái (hình 11).
- Giai đoạn vung chân lăng.
Là giai đoạn phát lực chủ yếu, tạo tốc độ vung chân lớn nhất để tác dụng lực vào bóng mạnh. Tốc độ vung chan lăng kết hợp vối tốc độ chạy đà quyết định sức mạnh của động tác đá bóng.
Hình 11. Đá bóng mu giữa bàn chân |
Trong khi chân trụ đang chạm đất thì theo động tác chạy bình thường, chân đá tiếp tục văng về phía sau. Nhưng lúc này không còn là động tác vung bình thường khi chạy mà xuất phát từ ý thức tạo lực đá mạnh nên cầu thủ kết hợp dùng sức đưa chân về sau với biên độ lớn hơn (do những cơ duỗi đùi và gấp cẳng chân làm việc khẩn trương nên động tác đánh lăng về sau thực hiện tốt). Tác dụng của việc đánh chân về sau nhằm kéo dài biên độ hoạt động, tăng thêm lực đá bóng (hay tốc độ vung chân) khi đưa về trước. Mặt khác, do đưa chân ra sau với biên độ lớn hơn mà kéo căng được các nhóm cơ phía trước đùi và và hông, tận dụng được sức mạnh co cơ khi làm động tác duỗi cẳng chân và gấp đùi để đá bóng đi.
Sau khi chân lăng vung hết ra sau thì chuyển động ngược trở lại để đá bóng. Lúc này, chân trụ khuỵu xuống thêm một chút và cẳng chân trụ hơi đổ về phía trước nhằm giữ thăng bằng cho cơ thể. Ban đầu, chân lăng đưa về trước, chủ yếu theo trục của khớp hông (các cơ gấp đùi) bên cạch đó, khớp gối cũng làm trụ cho cẳng chân duỗi ra ở mức độ không đáng kể. Khi đùi gần tới phương thẳng đứng thì trục chuyển động chủ yếu lại là khớp gối, tuy đùi vẫn tiếp tục chuyển động, nhưng cẳng chân “bật” mạnh về trước với lực rất bột phát.
Khi thực hiện giai đoạn vung chân lăng, các cầu thủ mới tập chưa hiệp đồng hoạt động tốt các cơ nên vung chân ra trước không khống chế được chân lăng theo đúng hướng (thẳng góc với trục phải trái) nên ảnh hưởng tới lực tác dụng và độ chính xác khi chân chạm bóng, hoặc động tác vung chân không nhịp nhàng làm tốn sức và tốc độ vung chân bị giảm.
- Giai đoạn tiếp xúc bóng.
Là giai đoạn quan trọng nhất quyết định toàn bộ kỹ thuật đá bóng mặc dù chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian rất ngắn khi mu giữa bàn chân chạmbóng. Vị trí tiếp xúc chỉ rõ kiểu đá bóng và điều chủ yếu là bảo đảm độ chính xác và sức mạnh của động tác đá bóng. Khi vung chân lăng về trước, bàn chân đã dược duỗi thẳng (do tác dụng co cơ của các cơ: dài gấp chung các ngón, cơ cẳng chân sau) và đế giai đoạn tiếp xúc bàn chân vẫn giữ ở tư thế duỗi thẳng, chúc mũi chân xuống đất. Vị trí tiếp xúc của bàn chân với bóng là phần trên của bàn chân, kể từ các khớp ngón cổ chân (phần buộc dây giầy) bao gồm bề mặt các xương hộp, xương sên, xương chêm và một phần của 4 đốt đầu 4 xương bàn. Các xương này liên hệ với nhau bởi những khớp bán động nên tạo thành một khối vững chắc và phẳng. Độ vững chắc của vị trí tiếp xúc giúp cho việc tăng độ đàn hồi, làm sức mạnh của động tác đá tốt hơn; mặt phẳng diện tiếp xúc bảo đảm độ chính xác của động tác đá bóng. Vị trí bóng được tiếp xúc là chính mặt sau của bóng làm cho lực đá từ bàn chân truyền qua bóng phải thông qua tâm bóng mà đẩy về phía trước. Chỉ có như vậy, động tác đá mu giữa mới đảm bảo độ chính xác và đường bóng bay thẳng (hình 12a).
Đối với những người mới tập, do khống chế khớ cổ chân không tốt (các dây chằng và cơ không cố định được các khớp) nên khi tiếp xúc với bóng, cổ chân, bàn chân thả lỏng làm cho đường bóng đi yếu, không chính xác và dễ gây chấn thương, hoặc người tập không duỗi thẳng bàn chân nên động tác tiếp xúc có nhiều hướng đẩy bóng lên, bóng đi bổng và không mạnh. Khi tiếp xúc bóng thì đầu gối của chân đó nhô về trước ngang với mặt phẳng đứng phía trước của bóng. Như thế sẽ tránh được sai sót thường mắc là nhô thân về trước (tụt hông) hoặc ngả người về sau quá.
- Giai đoạn kết thúc.
Có tác dụng bảo đảm cho toàn bộ động tác được nhịp nhàng, thoải mái, tránh những động tác làm giật cục, có có thể gây chấn thương. Bản thân giai đoạn kết thúc không còn ảnh hưởng gì tới bóng nữa, nhưng nếu cầu thủ cố tình không thực hiện động tác kết thúc (sau khi tiếp xúc, chạy thêm một vài bước để giảm tốc độ và thả lỏng cơ hoạt động) thì lại có ảnh hưởng tới những giai đoạn trước. Với tâm lý muốn ghìm chuyển động (không làm động tác kết thúc), nên ngay trong khi tiếp xúc đã vội vã co chân lại, hoặc tư thế thân người ngả không hợp lý để giảm tốc độ. Chính với ý thức như vậy làm cho động tác trước đó (như tiếp xúc bóng) trở nên thiếu chính xác và động tác vung chân không thoải mái, kết quả là đường bóng đi cũng không mạnh và chính xác.
2.1.1.2. đá bóng bằng mu trong bàn chân
Kiểu đá bóng này được sử dụng rất phổ biến vì động tác thực hiện dễ, thuận lợi khi bóng lăn theo mọi hướng, bóng bổng, bóng chết… và có tác dụng rất lớn trong nhiệm vụ chuyền bóng. Cầu thủ còn dùng động tác này để sýt bóng vào cầu môn và phá bóng. Động tác đá bóng bằng mu trong tương đối dễ tập luyện và cũng có thể đá được xa và mạnh.
- Giai đoạn chạy lấy đà.
Do đặc điểm tiếp xúc bóng (bằng mu trong) nên chạy lấy đà của kiểu đá này chếch với hướng đá bóng đi chừng 45o. Khi chạy lấy đà, tốc độ tăng dần, bước gắn, tần số cao để dễ điều chỉnh bước cuối cùng khi đặt chân tru. Bước cuối cùng khi chuẩn bị đặt chân trụ phải dài để giảm độ cao của cơ thể về phía trước, tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn tiếp. Do hướng chạy đà chếch như vậy nên thực tế thân người hơi ngả về phía trong, đường chạy đà hơi vòng. Đá bóng “chết” cự ly chạy đà là 6 – 7 mét.
- Giai đoạn đặt chân trụ.
Giai đoạn này vẫn có tác dụng là nhằm tạo thành điểm tựa vững chắc của trọng tâm cơ thể trong khi chuyển động với tốc độ lớn đẻ chân đá có thể tự do hoạt động. Đặt chân trụ trong kỹ thuật này là bẻ bàn chân ra phía ngoài để mũi chân thẳng với hướng định đá bóng đi. Thứ tự đặt chân trụ là từ gót chân chuyển qua má ngoài rồi tới mũi bàn chân.
Tư thế thân người nghiêng về phía chân trụ và hơi ngả về phía sau đầu gối chân trụ hơi khuỵu để giữ thăng bằng. Trọng tâm cơ thể dồn vào chân trụ.
Vị trí chân trụ đặt cách bóng chừng 25 – 30 cm về phía bên và lùi về phía sau của bóng một chút (đường tiếp tuyến của bóng với mặt đất). Tất nhiên tuỳ tầm vóc và đặc điểm của từng cầu thủ mà đặt chân trụ cho thích hợp. Sở dĩ khi đá bóng bằng mu trong lại phải đặt chân trụ xa bóng 25 – 30cm hơn các động tác đá khác (như mu giữa) là do đặc điểm chạy đà chếch, vung chân theo đường vòng và phải bẻ chân đá bóng bằng mu trong của động tác này.
- Giai đoạn vung chân lăng.
Do đưòng chạy đà hơi vòng và lệch hướng 45o cho nên động tác vung chân có khác khi đá bóng bằng mu giữa.
Khi vung chân về sau đùi hơi mở ra do ảnh hưởng của các cơ duỗi dạng và xoay đùi ra ngoài (cơ mông lớn, mông nhỡ và mông bé). Đường vung chân về sau hơi chếch về phía chân trụ. Để giữ thăng bằng cho cơ thể, tay đối diện với chân lăng cũng đánh mạnh về sau, thân người ngả vặn đối lập với hướng vung chân tạo cho tư thế cơ thể căng ra như hình cánh cung.
Động tác vung chân về trước có quỹ đạo ngược chiều với hướng vung chân về sau lúc này bàn chân duỗi hết và hơi bẻ ra ngoài, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp xúc bóng. Động tác vung chân về trước làm cho đùi hơi khép lại và khi đùi gần tới phương thẳng đứng thì đường chuyển động của thân gần như thẳng hàng với hướng xút bóng (tát nhiên lúc đó bàn chân vẫn bẻ ra ngoài). Tay đối diện với chân đá và thân người gập xuống vừa làm nhiện vụ giữ thăng bằng vừa hỗ trợ cho hoạt động của cơ chân.
- Giai đoạn tiếp xúc bóng.
Vị trí tiếp xúc của chân với bóng là cạnh trong của các xương giữa bàn chân – tính từ ngón cái tới phía trong mắt cá chân (hình 14). Do đường vung chân khi đá mu trong tạo thành một mặt phẳng cắt mặt phẳng của đất bằng một góc nhọn nên mu trong bàn chân tiếp xúc với bóng cũng theo diện tiếp xúc hơi chếch. Bàn chân tuy bẻ ra ngoài nhưng giữ ở tư thế vững chắc. Nhờ thế mà động tác đá vẫn mạnh và cổ chân không bị chấn thương (do thả lỏng).
Mặt khác, măc dù đường vung chân chếch nhưng mu trong bàn chân tiếp xúc đúng phía sau của bóng và lực đá vẫn thông qua tâm bóng về phía trước (đường vung chân lúc này hầu nhu thẳng hướng về trước). Vì thế động tác đá bóng bằng mu trong vẫn có thể làm cho đường bóng đi thẳng và không bi xoáy.
Những cầu thủ mới tập thường mắc khuyết điểm không duỗi hết mu bàn chân và tiếp xúc bóng lệch sang bên ngoài của tâm bóng (so với người đá). Vì thế bóng thường không đi đúng mục tiêu và bị xoáy, lệch hướng. Đồng thời, khi bị phân tán lực nên đường bóng đi yếu, không bay được xa.
Đối với những cầu thủ có trình độ kỹ thuật vững vàng, có thể vận dụng điều khiển đá bằng mu trong bào chân để đá vòng cung. Đường bóng đi theo “hình qủa chuối” vì cầu thủ chủ động tiếp xúc lệch ra phần ngoài của tâm bóng, miết từ phía ngón cái lướt vòng qua lòng bàn chân. Chính cầu thủ thường dùng động tác này để chuyền bóng qua đối phương cho đồng đội của mình sút vào cầu môn.
- Giai đoạn kết thúc.
Khi đá bóng đi thì tiếp tục đưa hông về trước. Chân đá sau khi vung về trứơc thì hạ xuống đất tiếp tục bước 1, 2 bước để giả m tốc độ chuyển động của cơ thể (thông thường sau khi tiếp xúc bóng, chân đá vung sẽ làm tư thế người hơi bị vặn nên sau đó cần làm động tác thả lỏng để cơ bắp trở lại hoạt động nhẹ nhàng). Hai tay dang rộng tự nhiên để giữ thăng bằng cơ thể.
2.1.1.3. đá bóng bằng mu ngoài bàn chân
Kiểu này tương đối khó, đòi hỏi sự tập luyện cung phu nhưng khi hoàn thiện được động tác thì lại có tác dụng rất lớn. Đá bóng bằng mu ngoài được sử dụng để chuyền bóng ở cự ly trung bình và xa, đá bóng đang chuyển động hay bay từ phái bên tới, đá phạt, đá phạt góc và sút vào câu môn. Đối với các cầu thủ có trình độ kỹ thuật cao thì động tác đá bóng mu ngoài trở thành một vũ khí sắc bén để hiệp đồng tấn công và dứt điểm (hình 15).
- Giai đoạn chạy lấy đà.
Cũng như đá bóng bằng mu giữa, hướng chạy đà thẳng với hướng đá bóng đi, bước ngắn, tốc độ tăng dần, biên độ tay không rộng và chân bước sẵn sàng để điều chỉnh chuẩn bị cho giai đoạn đặt chân trụ được tốt.
- Giai đoạn đặt chân trụ.
Giai đoạn này, so với đá bóng bằng mu giữa có khác đôi chút. Bàn chân trụ vẫn tỳ đất từ gót chuyển sang cả bàn, thẳng hướng đá bóng nhưng khoảng cách với bóng chừng 15 – 20cm về phía bên. Việc đặt chân trụ như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn vung chân tiếp xúc bóng không bị gò bó nên phát huy được sức mạnh của cú sút. Đầu gối chân trụ hơi khuỵu để giữ thăng bằng cho cơ thể và giảm rung động của mặt đất truyền qua chân trụ tới cơ thể. Thân người hơi ngả về trước do góc độ thân vốn có trong quá trình chạy đà.
- Giai đoạn vung chân lăng.
Khi đặt chân trụ thì chân lăng tiếp tục đưa về sau theo quán tính của bước chạy nhưng lúc này có ý thức đưa mạnh về sau cho biên độ vung chân rộng (nhằm tạo cho động tác có cự ly hoạt động dài và chân đá có tốc độ lớn để lực tác dụng vào bóng khi đá sẽ lớn). Đến lúc chân đá vung về trước thì xoay mũi chân vào phía trong dưới tác dụng các cơ khép bàn chân. Vì thế, trong khi vung chân về trứơc, diện mu bàn chân đưa về trước là mu ngoài. Đây cũng là điều quan trọng chuẩn bị cho giai đoạn tiếp xúc bóng đúng vị trí mu ngoài. Toàn bộ đường vung chân vẫn theo trục phải trái của hai trục chủ yếu: trục hông và trục đầu gối. Đường vung chân vẫn thẳng hướng từ sau ra trước với tốc độ nhanh dần và có tốc độ nhanh nhất khi vừa tiếp xúc với bóng.
- Giai đoạn tiếp xúc bóng.
Với vị trí xoay mũi chân vào trong khi vung về trước, cầu thủ làm động tác tiếp xúc bóng bằng mu ngoài. Mu ngoài bàn chân là phần ngoài bàn chân nằm song song với mu giữa; phần này tương đối phẳng (hình 16). Vị trí tiếp xúc vào bóng vẫn là phía sau của bóng, lực tác dụng thông qua tâm. Tuy nhiên, do độ xoay của cổ chân nên diện tiếp xúc không hoàn toàn đồng đều. Và đó là lý do tại sao đá bóng thẳng mà nếu đá bằng chân phải, bóng thường hơi xoáy và bay thành vòng cung về phía bên phải người đá. Tuỳ thuộc vào độ xoay của mu bàn chân vào trong và vị trí đặt chân trụ mà đường bóng có thể bay cao hoặc thấp. Thân người khi đá hơi lao về trước, hai tay dang ngang để giữ thăng bằng.
Nếu như lực đá không thông qua tâm bóng thì bóng sẽ đi xoáy vòng cung. Khi đá vòng cung để đường bóng có độ cong lớn, cầu thủ thường đá làm cho bóng lăn một chút theo mu chân tạo ra độ xoáy lớn. Những đường bóng vòng cung này có sức uy hiếp rất lớn khi sút vào cầu môn, ngay cả khi có đối phương làm hàng rào để chắn.
- Giai đoạn kết thúc.
Sau khi tiếp xúc bóng, bàn chân đá không giữ ở tư thế bẻ mũi chân vào nữa mà thả lỏng vung lên hết đà thì hạ xuống đất, tiếp tục bước 1 vài bước để giảm tốc độ lao về trước.
2.1.1.4. đá bóng bằng lòng bàn chân
Kiểu này được sử dụng rất nhiều trong quá trình thi đấu, khi cần chuyền bóng chính xác đối với mọi vị trí trên sân. Nhưng do đặc điểm tiếp xúc bóng và biên độ vung chân mà kiểu đá bóng này không thể làm bóng bay xa được (phải luyện tập gian khổ lắm mới có thể chuyền bóng với khoảng cách 30 – 35m; trong khi các động tác đá mu giữa, mu rong… bóng bay xa từ 50 – 60m không phải là điều khó khăn lắm). Bởi thế, kỹ thuật đá bóng bằng lòng bàn chân để dùng chủ yếu để chuyền bóng ở cự ly ngắn trung bình và có thể đá vào cầu môn ghi bàn thắng
- Giai đoạn chạy lấy đà.
Cự ly chạy đà từ 3 – 4m, hướng chạy đà thẳng với mục tiêu định đá bóng tới, tốc độ chạy đà không cao lắm vì mục đích chủ yếu là đá chính xác chứ không phải là đá mạnh; mặt khác, nếu chạy đà quá nhanh thì làm động tác đá bóng bằng lòng bàn chân gặp nhiều kkhó khăn và ảnh hưởng đến độ chính xác của kiểu đá (mà đó là ưu điểm căn bản của động tác đá bóng này). Động tác vung tự nhiên, mắt quan sát bóng và mục tiêu định đá đồng thời xác định khoảng cách giữa người và bóng để sắp xếp bước chạy đà thích hợp và thoải mái.
- Giai đoạn đặt chân trụ.
Đặt chân trụ bắt đầu từ chân trụ chuyển qua cả bàn chân, hướng mũi chân về hướng định đá bóng. Chân trụ đặt cách bóng khoảng 10 – 15cm đầu bàn chân đặt ngang vơi bóng (xê dịch trong khoảng từ mép trước tới mép sau của bóng). Cách đặt chân trụ còn phụ thuộc vào thói quen của từng cầu thủ.
Đầu gối chân trụ hơi khuỵu để hạ thấp trọng tâm, vừa giảm xung động vừa giữ được thăng bằng tốt để cho chân đá thực hiện động tác.
- Giai đoạn vung chân lăng.
Khi chân trụ đặt xuống đất thì chân đá tiếp tục lăng về sau. Nhờ sự tham gia của các cơ duỗi đùi và co cẳng chân mà biên độ đùi, cẳng chân được mở về phía sau. Khi sắp kết thúc lăng chân về sau thì cũng là lúc đầu gối và bàn chân bắt đầu dần dần bẻ ra ngoài. Trở lại động tác đưa chân đá về trước thì việc bẻ bàn chân ra ngoài (mũi chân xoay ra ngoài) vẫn tiếp tục. Tốc độ chuyển động của bàn chân (cùng với cẳng chân và đùi) khi vung về trước tăng dần. Do động tác xoay bàn chân mà ta có cảm giác là tốc độ gót chân tiến nhanh hơn mũi chân để tới khi sắp chạm bóng thì bàn chân đá xoay ngang 90o (so với hướng chuyển động). Khi cầu thủ có cảm giác là bàn chân đã xoay vừa độ thì cố gắng giữ cố định cảm giác đó, khớp cổ chân trở nên vững chắc để bước sang giai đoạn tiếp xúc bóng
- Giai đoạn tiếp xúc bóng.
Diện tiếp xúc bóng chân là tam giác phía trong của bàn chân. Bàn chân thường thẳng về mục tiêu đá bóng tới để cho lòng bàn chân tiếp xúc đúng phần giữa của quả bóng, như vậy lực sẽ đi qua tâm của bóng làm cho bóng đi thẳng và mạnh. Nếu muốn cho bóng đi bổng thì thân người ngả về phía sau, chân đá chạm phía dưới quả bóng, làm lực tác dụng qua tâm theo chiều từ dưới lên làm cho bóng bay bổng .
- Giai đoạn kết thúc.
Theo quán tính của chân đá, sau khi tiếp xúc bóng chân đá tiếp tục đưa về phía trước để phát huy hết lực. Khi bóng rời chân, động tác chân vẫn còn vung về trước và lên cao một chút, sau đó cầu thủ xoay cổ chân và đùi trở về tư thế bình thường (không bẻ ra ngoài) sau đó hạ xuống, bước thêm 1,2 bước rồi dừng lại.
2.1.1.5. đá bóng bằng mũi bàn chân
Động tác này thường dùng để đá vào cầu môn, đá phạt trực tiếp hay gián tiếp và trong tất cả những trừơng hợp khó khăn ở sát cầu môn. Khi cần đá bóng thật nhanh, bất ngờ, đôi khi là chính xác và xa, qua các cầu thủ đối phương cũng như trong tình huống đặc biệt nguy hiểm gần cầu môn đội mình. Kiểu đá này lợi hại ở chỗ bóng đi nhanh và mạnh, không cần có sự chuẩn bị trước như chạy lấy đà hay vung chân thật rộng lấy đà để đá bóng. Vì thế trong những trường hợp cần đá thật nhanh như lúc xô đẩy hay hỗn độn, động tác lúng túng, vội vã, bóng sát chân cầu thủ hay xa quá, cầu thủ đá “với” thì sử dụng đá bóng bằng mu bàn chân rất có lợi. Bóng đi mạnh, nhanh, cũng có thể đi xoáy vòng cung gây khó khăn lớn cho thủ môn. Kỹ thuật đá bóng bằng mu bàn chân còn được sử dụng trong các động tác phá bóng, hay xoạc bóng trong chân đối phương.
Lẽ ra với ưu thế đó, kỹ thuật này phải được dùng nhiều hơn, nhưng nhiều cầu thủ lại không biết đánh giá đúng mức, nhận định sai lầm rằng “chọc mũi” là lối đá của những người mới tập hoặc chưa biết đá bóng. Muốn đạt đến trình độ cao phải sử dụng thông thạo kiểu đá này, cầu thủ phải luyện tập lâu dài phải có hệ thống (hình 19).
Cầu thủ chạy đà thẳng hướng với phương đá bóng đi, tốc độ nhanh dần và lựa bước để đặt chân trụ cho thích hợp. Tư thế thân khi chạy đà hơi ngả về trước (tuy nhiên, do đặc điểm vận dụng kỹ thuật trong thi đấu, ít khi cầu thủ chạy đà dài và thậm chí không cần chạy đà cũng được).
Chân trụ đặt cạnh bóng cách chừng 10cm và lùi phía sau bóng 10 -15cm. Đầu gối chân trụ khuỵu một chút để giữ thăng bằng, thân người hơi ngả về phía trước.
- Động tác vung chân lăng đựơc tiếp tục sau khi chân trụ đặt xuống đồng thời khi sắp đưa về trước thì bàn chân (của chân lăng) đã co thẳng góc với cẳng chân và cố gắng giữ tư thế này.
- Động tác vung chân về phía trước, khớp hông gập và khi đùi gần qua vị trí thẳng đứng thì cẳng chân duỗi nhanh hơn (lúc chạm bóng thì khớp gối gần như duỗi hết), cả bàn chân lúc này như lướt song song trên mặt đất.
- Khi tiếp xúc với bóng, mũi chân chạm phía sau bóng và sau quỹ đạo vung chân, mũi chân bắt đầu có hướng đi lên trên, thân người khi đá ngả về trước. Tay cùng phía với chân đá vung về sau, bàn tay kia đánh về trước và giữ thăng bằng.
Nếu mũi chân tiếp xúc vào phía dưới bóng thì bóng bay bổng còn nếu tiếp xúc hơi lên trên thì bóng bay thấp. Để đá bóng bay vòng cung sang phải sang trái thì chỉ cần phải đá sang một bên của bóng.
Khi đá bóng bằng mũi bàn chân, diện mũi chân tiếp xúc với bóng nhỏ nên đạt được độ chính xác khi đá là một việc khó. Chỉ cần vung chân lệch một chút thì vị trí tiếp xúc bóng đã bị thay đổi.
2.1.1.6. đá bóng bằng gót bàn chân
Kỹ thuật này chưa được dùng rộng rãi lắm và tuy đá bóng đi không mạnh nhưng khi vận dụng thích hợp thì rất lợi hại vì nó mang tính bất ngờ cao, đối phương khó đoán biết được. Đá bóng dấu ý định rất kín tạo cho lối chơi (về phương diện chiến thuật) thêm nguy hiểm; nhằn chuyền cho những cầu thủ ở vị trí trống. Lối đá này có hiệu quả đặc biệt trong giai đoạn thúc tấn công, cầu thủ có bóng bị đối phương kèm chặt bèn đá gót chuyền bóng cho đồng đội ở khu vực đối phương không kịp bảo vệ. Đôi khi cầu thủ có thể dùng động tác đá gót để ghi bàn thắng ở cự ly gần cầu môn. Đá bóng bằng gót có thể dùng để đá bóng chết, bóng lăn và cả bóng bay nữa. Căn cứ vào động tác đá gót ta có thể tạm chia làm 3 kiểu nhỏ:
Kiểu đá này hầu như không có giai đoạn chạy đà. Chân trụ đặt sang một bên của bóng (cách bóng chừng 10 – 15cm) và ở phía trước bóng. Động tác vung chân đá hoàn toàn khác với các kiểu đá khác: để lấy đà, chân đá vung về trước (gập khớp hông, nâng đùi lên cao và tạo tư thế vững chắc của diện tiếp xúc (gót chân) nên bàn chân gập nên trên. Sau đó, chân đá vung về sau thật mạnh, khớp hông duỗi, đùi hạ nhanh xuống đồng thời các cơ sau đùi co gập cẳng chân lại, tạo cho gót chân chuyển động thật nhanh để tiếp xúc bóng. Bàn chân đá là là trên mặt đất, gót chân chạm phía trước của bóng. Đường bóng đi không mạnh và thường sệt, lăn trên mặt đất, ngược hướng đứng của cầu thủ. Kiểu đá này thường dùng khi bóng lăn, cầu thủ đuổi theo và đá ngược trở lại, chuyền bóng cho đồng đội (hình 20).
Đá bóng bằng gót sang bên cạnh.
Kiểu đá này được dùng khi bóng chết hoặc bóng lăn mà cầu thủ muốn chuyền hầu như vuông góc với hướng chạy cho đồng đội trong lúc bóng ở sát chân và mang yếu tố bất ngờ, kín.
Cầu thủ phán đoán, đặt chân trụ phía sau bóng cach chừng 5 – 10cm (khi bóng lăn thì việc ước lượng để thực hiện việc đặt chân trụ càng phải linh hoạt). Nếu muốn đá sang bên phải thì đặt chân trụ là chân phải va chân đá (chân trái) phải vung chân trái để lấy đà. Khi vung, đầu gối chân trái mở ra ngoài, đồng thời gót chân bẻ vuông góc với hướng chân trụ và ban chân co cứng. Để đá bóng, chân đá chuyển động sang phải, đùi trái vẫn giữ nguyên tư thế mở chuyển động sang phải, cẳng chân co lại làm cho gót chân đạt tốc độ cao, tiếp xúc bên trái của bóng, đẩy bóng lăn sang bên phải.
Động tác này có thể dùng để đá bóng bay ở phía sau gần cầu thủ. Cầu thủ có thể phán đoán đường bay của bóng để đá bóng bằng gót chân đưa bóng về trứơc hoặc sang bên cạnh. Cũng có thể nhảy để làm động tác này. Còn khi đứng, đá bóng chân trụ hơi khuỵu để giữ thăng bằng, đầu và thân quay về phía sau để quan sát đường bay của bóng. Thân người ngả nhiều để tạo điều kiện dễ dàng vung chân về phía sau đá bóng bay bằng gót (hình 21).
2.1.1.7. đá bóng bằng gan bàn chân
Kỹ thuật này ít được được dùng vì lực đá yếu và chỉ được dùng khi bóng nảy phía trước mặt, tầm cao trên dưới 1m, cầu thủ muốn đẩy bóng về phía trước. Bởi thế, kiểu đá này thường dùng trong lúc nguy hiểm và khó khăn mà cầu thủ không thể thực hiện đá bóng bằng động tác khác.
Để đá bóng bằng gan bàn chân, cầu thủ nâng đùi lên cao, cẳng chân co về phía đùi tạo thành một góc nhọn. Thân người hơi ngả về phía sau một chút. Tiếp đó, thân người đổ về trước, cẳng chân duỗi mạnh tạo thành tư thế đạp bóng bay vê phía trước. Việc tiếp xúc gan bàn chân với bóng có chính xác hay không tuỳ thuộc vào sự phán đoán đường bay của bóng và động tác phối hợp hoạt động của hai chân cầu thủ.
2.1.1.8. hất bóng bằng mu bàn chân
Đây là một trong những kỹ thuật đá bóng mới. Chân trụ đặt phía bên và sau bóng, đầu gối hơi khuỵu. Mũi chân đá luồn phía dưới bóng (bóng chết hoặc lăn rất chậm), đầu gối hơi cong. Thân người hơi ngả về trước. Khi tiếp xúc bóng, đùi nâng mạnh về trước, mũi chân luồn dưới bóng nâng lên làm bóng hầu như nằm lên mu bàn chân và được “vảy” về phía trước, bóng bay bổng. Kiểu đá này không cần sức đùi mạnh nhưng cơ chân phải có cảm giác nhạy bén và hiệp đồng động tác khéo léo. Nhờ thế mà tuy ít được dùng nhưng nếu sử dụng vào tình huống cần thiết có thể chuyền qua đầu đối phương đứng gần, gây yếu tố bất ngờ rất lớn.
2.1.1.9. các trường hợp đá bóng di động
- ĐÁ BÓNG ĐANG LĂN
Các yếu lĩnh kỹ thuật đá bóng lăn cũng giống như đá bóng chết. Điều chủ yếu là cần có khả năng tính toán sức mạnh, tốc độ và tính chất lăn của bóng để chọn vị trí thích hợp, bảo đảm đá đúng hướng.
Gặp bóng lăn ngược chiều, cầu thủ thường đá làm bóng bay quá cao. Muốn bóng bay thấp hơn, cần phán đoán đúng cơ hội vung chân và vị trí bóng lăn đến để tiếp xúc bóng chính xác. Cho nên, cầu thủ phải đặt chẩntụ sau bóng để khi vung chân tiếp xúc bóng thì bóng đã lăn tới vị trí thích hợp (như bóng chết). Khi bóng lăn cùng chiều, chân trụ phải đặt phía trước bóng (so với bình thường). Khi chân đá vung tới vị trí tiếp xúc thích hợp thì bóng cũng vừa lăn tới như vậy, động tác đá bóng lăn quay trở lại động tác đá bóng chết. Nếu bóng lăn ngang từ ngoài vào phía chân trụ thì đặt chân trụ hơi xa về phía bên bongs (tuỳ theo tốc độ bóng lăn)…
- ĐÁ BÓNG BAY
Cầu thủ cũng vận dụng kiểu đá này như đá bóng lăn hay bóng chết, nhưng điều khó khăn lớn nhất là phải phán đoán chính xác đường bay của bóng và thời điểm vung chân tiếp xúc của bóng.
Để thực hiện kiểu đá này cầu thủ cần nghiêng người nhiều về phía chân trụ. Chân đá đưa về sau để lấy đà, quỹ đạo chân tạo thành mặt phẳng chếch so với mặt đất. Sau đó vung chân về phía trước, dùng mu giữa hay mu trong bàn chân tiếp xúc vào ngang quả bóng (đang bay hay đang rơi).
Khi đá kiểu này người phải xoay theo đường vòng cung nên cầu thủ không đựơc đặt bàn chân trụ xuống đất. Việc kiễng chân trụ để tạo điều kiện thuận lợi để xoay người và tránh làm cho khớp cổ chân của chân trụ bị chấn thương.
Cầu thủ nào nắm vững kiểu này sẽ có ưu thế lớn trước đối phương vì như vậy tốc độ bóng đi nhanh (tránh động tác giữ bóng thừa) tận dụng được thời gian. Đường bóng đang bay chuyển hướng đột ngột, bất ngờ nên đá vào cầu môn rất lợi hại. Muốn đá bóng ở độ cao hơn, cầu thủ có thể dậm nhảy, tung người lên để đá.
Động tác này thường sử dụng để bất ngờ đá vào cầu môn hoặc phá bóng trong thình thế khó khăn khi đứng ngược chiều với hướng cầ đá bóng đi.
Để chuẩn bị đá, sau khi phán đoán được điểm rơi của bóng và chiếm được vị trí thích hợp, cầu thủ phải theo dõi bóng, thân người ngả về phía sau (tức là phía sẽ đá bóng tới). Chân trụ khuỵu, mông hạ thấp, chân đá vung về trước và lên trên. Khi tiếp xúc bóng thì mu bàn chân (của chân đá) đã đưa lên cao, bóng chuyển động lên trên và về phía sau cầu thủ. Muốn cho đường bóng đi mạnh và không bổng quá, cầu thủ cần vung chân đá với tốc độ cao đồng thời ngả người nhanh giúp cho tốc độ chuyển động tròn của chân đá mau hơn. Sau khi đá mạnh như vậy, cầu thủ thường phải ngã.
Trong thi đấu, có trường hợp cầu thủ phải đá ngay những quả bóng vừa nảy từ đất lên mà không làm động tác giữ bóng, đó là đá bóng nảy nửa. Cầu thủ thường dung kiểu đá nửa nảy để đá vào cầu môn, để chuyển bóng gần hoặc xa, để bóng (đối với thủ môn) hay phát bóng khi gặp trường hợp bị tấn công gay go, lúng túng.
Kiểu đá này không cần dùng lực nhiều mà bóng vẫn có thể bay xa và mạnh. Sau khi phán đoán điểm bóng rơi, cầu thủ đặt chân trụ bên cạnh điểm bóng sẽ rơi xuống và vung chân đá. Tốc độ và thời điểm vung chân cần căn cứ vào thời điểm rơi của bóng. Động tác tiếp xúc được thực hiện ngay khi bóng vùa nảy rời mặt đất (thường sử dụng mu giữ và mu ngoài để đá). Động tác này đòi hỏi phải chính xác. Muốn cho bóng bay thấp, cần phải giữ cẳng chân và bàn chân trong khi tiếp xúc ở tư thế thẳng đứng (hình 22).
2.1.2. kỹ thuật đánh đầu:
Khi thi đấu bóng đá, nhiều trường hợp chuyền bóng cao thì có lợi hơn. Những đường chuyền bóng bổng thường thực hiện khi cần chuyền xa (chuyền bóng dài từ cầu môn, lật cánh tấn công, sút xa vào cầu môn…). Chuyền bóng bổng cũng dùng để đá phạt góc, sút phạt trực tiếp, chuyền bóng qua đầu đối phương, ném biên. Sân mấp mô, có bùn, vũng nước cũng cần đá những đường chuyền bóng bổng. Để chống những đội phòng ngự với kiểu tập trung đông ở khu vực cầu môn cũng cần dùng những đường chuyền bóng bổng tới khu vực nguy hiểm trước cầu môn của đối phương.
Trong những trường hợp này cầu thủ cần phải sử dụng các kiểu đánh đầu. các cầu thủ hậu vệ nếu giàng được thắng lợi trong những cuộc tranh bóng trên cao, cắt được những đường chuyền bóng của tiền đạo đối phương tức là đã phá được mối đe doạ ở gần cầu môn và rất có thể còn chuyền được bóng cho đồng đội, tổ chức phản công. Những cầu thủ tiền đạo có thể sử dụng kỹ thuật đánh đầu để chuyền bóng và trực tiếp đưa bóng vào cầu môn đối phương. Khả năng nhảy đánh đầu có tầm quan trọng lớn trong khu vực trước cầu môn và những đường bóng đánh đầu vào cầu môn rất nguy hiểm, vì tính bất ngờ và nhanh của nó. Nhờ kỹ thuật đánh đầu mà tốc độ trận đấu tăng thêm, hạn chế những động tác giữ bóng chậm và thừa.
Các cầu thủ trên sân đều thường sử dụng kỹ thuật đánh đầu
Tuỳ theo kiểu đánh đầu, hướng bóng bay đến (cao, trung bình) và sức mạnh của bóng (mạnh, yếu) mà ta thu được những kết qủa khác nhau. Phương pháp đánh đầu có thể phân loại như sau:
- Tuỳ vị trí tiếp xúc của đầu với bóng mà có thể đánh đầu bằng trán giữa, trán bên và đỉnh đầu.
- Tuỳ tư thế chuẩn bị trước khi đánh đầu mà có thể đứng tại chỗ đánh đầu, chạy đà đánh đầu, nhảy lên đánh đầu (gồm cả động tác “cá nhảy”).
- Tuỳ hường bóng đánh đi mà chia làm: đánh đầu đưa bóng về trước, sang bên cạnh và về sau.
Sau đây, chúng ta phân tích các kiểu đánh đầu că n cứ vào vị trí tiếp xúc của đầu.
2.1.2.1. đánh đầu bằng trán giữa
Có ưu điểm là bóng đi chính xác và mạnh vì tiếp xúc vào phần trán cứng và bằng phẳng, đồng thời động tác gập thân được thực hiện phù hợp nhất với đặc điểm giải phẫu của con người, trong qúa trình đánh đầu lại dễ dàng quan sát đường bay của bóng để làm động tác chính xác.
ĐỨNG TẠI CHỖ DÙNG TRÁN GIỮA ĐÁNH BÓNG VỀ PHÍA TRƯỚC.
Là đánh đầu tương đối đơn giản và là phương pháp cơ bản nhất trong kỹ thuật đánh đầu.
Trước khi đánh đầu, cầu thủ quan sát đường bóng bay để chọn vị trí đứng đánh đánh đầu thích hợp, thông thường bóng bay đến là ngược chiều hoặc bay chếch.
Cầu thủ đứng chân trước chân sau, hai chân rộng bằng vai (khoảng cách 2 chân cần thích hợp để trong khi đánh đầu thân trên di chuyển theo trục phải trái thì hai chân vẫn làm thành chân đế vững chắc). Chân trước đặt nhẹ trên mặt đất, chân sau khuỵu nhiều hơn để hạ thấp trọng tâm và dồn trọng tâm về chân này. Thân trên thẳng hướng với phương đánh bóng đi, hai tay dang tự nhiên để giữ thăng bằng cho cơ thể. Cả thân ngả về phía sau nhằm chuẩn bị để cho động tác gập thân kéo dài được biên độ và tốc độ động tác. Đầu, cổ cũng ngả theo tư thế thân nhưng không thả lỏng các cơ cổ ngả đầu về phía sau vì như vậy sẽ khó quan sát bóng và động tác đánh đầu không làm được mạnh.
Ở tư thế chuẩn bị, toàn cơ thể như hình cánh cung ngả về sau, mắt theo dõi đường bóng bay đến.
Phía trước |
Khi phán đoán đúng thời cơ đánh đầu, chân sau từ tư thế khuỵu bắt đầu đạp mạnh bóng xuống đất đẩy thân về phía trước. Đồng thời, các nhóm ở cơ bụng co làm thân trên gập về phía trước. Hai tay cũng đánh về trước và xuống dưới hỗ trợ cho động tác của toàn thân. Trọng tâm của cơ thể dồn về chân sau sang chân trước. Các nhóm cơ cổ cũng đóng góp tăng tốc độ cho việc đánh đầu vận động viên về trước. Đương di chuyển của đầu (với mức độ tương đối) như hình cánh cung có tâm chuyển động là khớp hông. Thời cơ tiếp xúc bóng chính là lúc thân người đã qua tư thế thẳng đứng và hơi đổ về phía trước. Khi trán chạm hông bóng, chân tiếp tục đạp để duỗi hết khớp và đầu gối, tăng thêm lực tác dụng vào bóng.
Trong quá trình đánh đầu, mắt luôn mở để quan sát bóng, đảm bảo chính xác cho thời cơ và vị trí tiếp xúc bóng (hình 23)
Tính chất của đường bóng bay phụ thuộc vào vị trí tiếp xúc của trán vào bóng nếu đánh đầu vào phía dưới bóng thì bay cao về trước, nếu đánh vào ngang bóng thì bóng đi mạnh và gần song song với mặt đất; nếu đánh đầu vào phần trên của bóng thì bóng bay chếch xuống.
Khi bóng rời đầu thì nhanh chóng chuẩn bị tình huống tiếp theo.
ĐỨNG TẠI CHỖ, CHUYỂN THÂN ĐÁNH ĐẦU BẰNG TRÁN GIỮA
Giống như kiểu đứng tại chỗ dùng trán giữa đánh bóng về trước, chỉ khác về tư thế thân người trước khi làm động tác gập thân.
Để chuẩn bị đánh đầu, cầu thủ đứng tư thế chân trước, chân sau, bảo đảm thăng bằng tốt (nếu bóng từ phía trái bay đến thì chân phải đặt trước, chân trái phía sau và ngược lại). Thân người ngả, đầu nghiêng ngược chiều hướng bóng đến do động tác khuỵu chân, thân người ngả về sau và chếch ngược chiều với bóng mà cầu thủ tạo được đà để làm động tác chuyển thânvà gập thân đánh đầu.
Lúc đánh đầu, cầu thủ làm động tác chuyển thân, phối hợp xoay chân theo góc độ cần thiết vớ tư thế thân để trở lại tư thế đánh đầu bằng trán giữa về trước. Để đảm bảo tính chính xác của động tác, cầu thủ phải luôn quan sát đường bay của bóng và quyết định hoạt động cho kịp thời.
CHẠY ĐÀ, ĐÁNH ĐẦU BẰNG TRÁN GIỮA
Động tác chạy đà đánh đầu bằng trán giữa mặc dù bóng có thể từ phía trước đến, từ 2 bên, thậm chí theo góc độ cầu thủ chếch về phía sau thì yếu lĩnh động tác của nó cũng giống như động tác đứng tại chỗ đánh đầu.
Nhưng do đặc điểm di chuyển để đánh đầu nên cầu thủ phải có khả năng phán đoán điểm rơi thật tốt, chọn vị trí thích hợp và thời cơ làm động tác. Thông thường, động tác này đá bóng mạnh hơn khi tại chỗ đưa bóng về phía trước và được tận dụng khá phổ biến trong thi đấu.
BẬT NHẢY ĐÁNH ĐẦU BẰNG TRÁN GIỮA
Kiểu đánh đầu này có ưu thế rõ rệt trong thi đấu, bản thân động tác đánh đầu đã có lợi thế về việc điều khiển bóng trên cao thì động tác nhảy đánh đầu còn tận dụng được độ cao của bóng nhiều hơn nữa.
Đánh đầu khi nhảy phải phối hợp động tác phức tạp hơn so với động tác đánh đầu không nhảy. Trong khi nhảy, việc tính toán thời cơ đánh đầu vào bóng là điều rất khó khăn. Những sai lầm nhỏ nhất về không gian khi xác định thời cơ đánh đầu sẽ làm độ chính xác bị giảm đi rõ rệt. Ngoài ra, cầu thủ còn có sức bật tốt và sức khéo léo phối hợp động tác. Sức bật tốt kết hợp với sự khôn khéo khi đánh đầu cho phép cầu thủ đá bóng ở độ cao hơn chiến thắng đối thủ tranh bóng với mình mặc dù cầu thủ đó có thể thất hơn.
Hiệu quả đánh đầu khi nhảy phụ thuộc vào khả năng của cầu thủ đánh giá đúng đắn đặc tính đường bay của bóng, thực hiện bước chạy đà nhanh dự đoán vị trí chính xác, bật nhảy mạnh, kịp thời và cuối cùng là phối hợp động tác để đánh đầu với thời cơ thuận lợi nhất.
Phân tích động lực ta thấy đánh đầu lúc thân người bật nhảy lên thì có lực mạnh nhưng không chính xác (bóng hay đi bổnh); lúc người đang rơi xuống mà đánh đầu thì động tác yếu, đường bóng đi chậm. Do đó, yêu cầu mấu chốt của kỹ thuật đánh đầu khi nhảy là phải phán đoán đúng thời cơ, lúc thân người bay lên đỉnh cao nhất thì cũng là lúc làm động tác tiếp xúc đầu vào bóng để đường bay chính xác và mạnh.
BẬT NHẢY TẠI CHỖ, ĐÁNH ĐẦU BẰNG TRÁN GIỮA
Động tác này được dùng khi đối phương còn ở xa, hoặc do người đánh đầu phát hiện bóng hơi muộn (thông thường cầu thủ chạy lên đón bóng đánh đầu thì tranh thủ đựơc thời gian và không gian hơn).
Trước lúc nhảy lên, thân đối diện với hướng bóng đến, hai chân dạng cách nhau chừng 15 – 20cm, mũi chân hơi khép vào trong, đầu gối hơi khuỵu thân ngả về trước, trọng tâm dồn trên hai chân.
Lúc nghả, hai vai đánh về trước và lên trên, hai chân dùng sức đạp di chuyển dất duỗi chân một cách bộc phát nâng người rời khỏi mặt đất. Khi ở trên không, thân người hơi ngả về sau (động tác nhảy này đã căn cứ vào tốc độ bóng bay đến và thời cơ đánh đầu. bóng sắp bay tới vị trí thích hợp thì cầu thủ dùng sức cua r cơ bụng và lưng gập thân về trước đồng thời kết hợp co các cơ cổ, dùng trán giữa đá bóng đi (ở thời điểm này có thể ở độ cao nhất).
Khi rơi xuống đất, hai chân đồng thời chạm đất (hai chân cách nhau khoảng 20cm) hai gối hơi khuỵu để giảm chấn động trên cao rơi xuống và giữ thăng bằng cho cơ thể.
BẬT MỘT CHÂN ĐÁNH ĐẦU TRÁN GIỮA CÓ CHẠY ĐÀ
Kiểu đánh đầu này được vận dụng nhiều trong thi đ ấu vì có thể tranh thủ được thời gian; tận dụng được độ cao tiếp xúc bóng cũng như sức mạnh khi đánh đầu. Dậm nhảy một chân thường là phải chạy đà để có được sự phối hợp thuận lợi khi nhảy bật.
Trước khi dậm nhảy, cầu thủ chạy đà từ 3 – 6m, tốc độ chạy đà lớn, nhằm tăng tốc độ cao bật nhảy (tận dụng tốc độ nằm ngang để nâng cao tốc độ thẳng đứng, đưa cơ thể bay cao lên, kết hợp với bật thẳng). Lúc bước cuối cùng của giai đoạn chạy đà vừa chạm đất (chân chạm đất là chân dậm nhảy) thì trọng tâm nằm trên chân dậm nhảy, đ ầu gối hơi khuỵu. Lợi dụng tốc độ chạy đà, chân dậm đạp đất duỗ mạnh, gối chân kia dánh lên trên, hai tay vung lên phối hợp đưa người bay cao. Lúc bay lên, thân người ngả về sau, tiếp đó quan sát bóng bay đến, cầu thủ gập bụng và cổ, đưa thân và đầu về trước, tiếp xúc với bóng (lúc thân bắt đ âu gập về trước cũng là klúc cơ bay tới tốc độ cao nhất, cầu thủ có cảm giác người “dừng” trên không).
Sau khi đánh bóng, hai chân đồng thời rơi xuống đất, hai gối hơi khuỵu để giảm chân động và giữ thăng bằng.
CHẠY ĐÀ DẬM NHẢY MỘT CHÂN, CHUYỂN THÂN DÙNG TRÁN GIỮA ĐÁNH ĐẦU
Trước khi nhảy người nghiêng ngược về phía bóng đến. Khi rời di chuyển đất bằng một chân dậm nhảy, cầu thủ xoay vai để chuyển thân trên không, trở lại với tư thế với hướng bóng đến, dùng trán giữa đánh bóng đi.
Động tác này giống như động tác chạy đà nhảy lên bằng một chân đánh đầu bằng trán giữa. Nhưng phức tạp hơn; cầu thủ phải chuyển thân trên không nên phải chọn chân dậm nhảy, nếu bóng đến bên phải thì nên dậm nhảy bằng chân trái (và ngược lại) để thuận lợi cho việc chuyển thân.
Động tác này đựơc sử dụng khi tầm bóng không cao, ở phía rước và tranh thủ thời gian đánh bóng đi. Cầu thủ làm động tác đòi hỏi phải dũng cảm và khéo léo. Cầu thủ có thể chạy đà hoặc đứng tại chỗ (nếu đứng tại chỗ thì không thể dậm nhảy bằng một chân), có thể dậm nhảy bằng một chân hoặc hai chân. Phán đoán được đường bay của bóng, khi dậm nhảy, thân cầu thủ phải đổ về trước góc độ dậm nhảy hẹp, khi rời đất, thân người hầu như bay song song với mặt đất, dùng trán giữa đánh đầu về trước.
Lúc rơi xuống đất, hai tay rơi xuống trước để đỡ cơ thể (hai tay chống rộng bằng vai) sau đó hai chân đồng thời rơi xuống, sau cùng là hạ ngực xuốnng đất thân người như nằm sấp.
2.1.2.2. đánh đầu bằng trán bên
Đặc điểm của loại đánh đầu này là biên độ gập thân lớn hơn đánh đầu bằng trán giữa nên lực tác dụng vào bóng lớn hơn, bóng bay xa. Mặt khác, đánh đầu bằng động tác này, hướng bay của bóng rất khó đoán, rất nguy hiểm khi tấn công cầu môn. Tiền đạo và hậu vệ thường sử dụng loại đánh đầu này.
Động tác đánh đầu bằng trán bên khó hơn đánh đầu bằng trán giữa và do vị trí tiếp xúc của trán với bóng (không thẳng hướng với mặt) nên cầu thủ quan sát đường bay của bóng kông thuận lợi bằng, việc phối hợp động tác trở nên phức tạp hơn.
ĐỨNG TẠI CHỖ, ĐÁNH ĐẦU BẰNG TRÁN BÊN
Tư thế chuẩn bị: cầu thủ đứng đối diện với hướng bóng đến, chân trước , chân sau (cách nhau chừng 60 – 70cm) nếu đánh đầu bằng trán bên phải thì chân phải bước lên trước, chân sau hơi khuỵu để giữ thăng bằng. Thân người, đầu ngả và hơi vặn chếch sang trái.
Khi làm động tác, thân người gập về phía trước kết hợp với động tác đạp mạnh của chân sau, trọng tâm thân thể chuyển từ sau ra trước, tư thế hơi vặn của thân trên được xoay trở lại chuyển động về trước, trán bên tiếp xúc vào bóng. Trong toàn bộ động tác, mắt luôn luôn quan sát bóng. (hình 25)
CHẠY ĐÀ ĐÁNH ĐẦU BẰNG TRÁN BÊN
Cũng tương tự động tác đứng tại chỗ đánh đầu, nhưng do phải di chuyển mà đòi hỏi ở cầu thủ khả năng phán đoán đường bay của bóng mà chọn vị trí chính xác, kịp thời.
NHẢY LÊN, ĐÁNH ĐẦU BẰNG TRÁN BÊN
Nếu cầu thủ di chuyển dứng tại chỗ thì động tác dậm nhảy đánh đầu thực hiện bằng hai chân, khi lên trên không, thân trên hơi xoay để đánh đầu bằng trán bên. Khi kết hợp chạy đà, cầu thủ dậm nhảy bằng một chân. Nếu đánh đầu bằng trán bên phải thì dậm nhảy bằng chân trái. Khi ở trên không, thân người ngả về sau và vặn ngược chiều với hướng đánh đầu. Tới thời điểm “dừng” trên không, thân người gập và xoay đánh đầu bằng trán bên vào bóng, hai tay đang tự nhiên để giữ thăng băng cho cơ thể.
2.1.2. 3. đánh bóng bằng đỉnh đầu:
Động tác này chỉ dùng để hất bóng về phía sau cầu thủ, đường bay của bóng thường là bổng trong thi đấu, động tác đánh bóng bằng đỉnh đầu thường đựoc cầu thủ tiền đạo và hậu vệ sử dụng chuyền bóng và phá bóng. Kiếu đánh đầu này gây yếu tố bất ngờ lơn vì đối phương ít nghi ngờ là cầu thủ lại chuyền bóng về phía sau lưng họ với tình huống khó khăn như vậy.
ĐỨNG TẠI CHỖ, DÙNG ĐỈNH ĐẦU CHUYỀN BÓNG VỀ SAU
Tư thế chuẩn bị của kiểu đánh này giống như động tác đứng tại chỗ đánh đầu bằng trán giữa về trước: đứng chân trước chân sau. Nhưng thân cầu thủ không ngả nhiều về phía sau mà khi làm động tác lại từ tư thế thân đổ về trước mình ngả về sau, dùng cơ cổ hất đầu ngửa ra, đỉnh đầu tiếp xúc bóng đẩy bóng bay về sau và lên trên.
ĐỨNG TẠI CHỖ, DẬM NHẢY BẰNG HAI CHÂN, ĐÁNH BÓNG BẰNG ĐỈNH ĐẦU RA SAU
Cầu thủ sau khi bật nhảy bằng chân, không ngửa người ra sau, giữ thân thẳng hoặc hơi gập về trứơc (trong khi đó đã phán đoán điểm rơi của bóng và thời cơ tiếp xúc bóng).
Sau đó, khi cơ thể ở trạng thái “dừng” trên không, cầu thủ dùng sức của các nhóm cơ lưng và bụng ngả mạnh thân ra sau, hất ngửa đầu, dùng đỉnh đầu đánh vào bóng, đưa bóng bay về sau và lên trên.
CHẠY ĐÀ DẬM NHẢY BẰNG MỘT CHÂN ĐÁNH BÓNG ĐỈNH ĐẦU RA SAU
Yếu lĩnh động tác cũng giống như động tác dậm nhảy bàng một chân đánh đầu bằng trán giữa về trước. Nhưng khi lên trên không, thân người không ngửa mà lúc phán đoán đúng thời cơ, thân người ngả về sau, đầu hất ngửa, dùng đỉnh đầu đánh bổng về phía sau.
2.2 Kỹ thuật giữ bóng:
2.2.1 tầm quan trọng
Nhìn lại quá trình phát triển của môn bóng đá, chúng ta thấy rõ ý nghĩa của kỹ thuật giữ bóng đối với sự phát triển chung của môn này. Đầu thế kỷ thứ XIX thi đấu bóng đá được dùng tay. Khả năng dùng tay bảo đảm sự dễ dàng và chính xác hơn chân nên phần lớn các cầu thủ đều dùng tay bắt rồi ném hay đá đi. Năm 1870, luật bóng đá có tính chất thế giới ra đời, quy định trừ thủ môn ra, các cầu thủ trên sân đều không được dùng tay chạm bóng.
Vì thế, để tìm cách giữ bóng lại, các cầu thủ phải dùng các bộ phận các của cơ thể thay cho tay. Nhưng thời đó, người ta chưa chú ý đến đến độ chính xác mà lúc đá bóng chỉ chú ý tới sức mạnh và bay xa. Bởi vậy, kỹ thuật giữ bóng chưa được coi trọng. Chỉ về sau do sự nâng cao không ngừng của môn bóng đá và sự hoàn thiện về luật bóng đá, nên trong thi đấu, các cầu thủ phải phối hợp kỹ thuật, chiến thuật với nhau và đòi hỏi sự chính xác khi đá bóng cao hơn. Do đó, vai trò kỹ thuật giữ bóng được nâng lên nhiều và đến nay nó đã trở thành một trong những bộ phận chủ yếu của kỹ thuật cơ bản.
Kỹ thuật giữ bóng biểu thị hành động của cầu thủ dùng bộ phận nào đó của cơ thể (trừ hai tay) chặn đường bóng đang lăn hay đang bay làm cho nó trong tầm khống chế của mình, tạo điều kiện cho động tác tiếp sau.
Động tác giữ bóng không nhất thiết phải làm bóng đứng yên bên cạnh cầu thủ mà tuỳ tình hình cầu thủ trên sân, có thể giữ bóng nảy hay lăn gần cầu thủ. Thí dụ; nếu xung quanh cầu thủ giữ bóng không có đối phương hoặc không có sự cản phá của đối phương thì cầu thủ đó có thể căn cứ vào yêu cầu của động tác kế tiếp mà giữ bóng nảy ra xa… Như vậy, vẫn khống chế được bóng và còn tranh thủ được thời gian, phù hợp với yêu cầu chiến thuật.
Bản thân động tác giữ bóng không phải là mục đích cuối cùng của cầu thủ mà thực hiện giữ bóng là do yêu cầu của chiến thuật hoặc tạo điều kiện tốt cho động tác tiếp theo.
Trong thực tế của quá trình thi đấu, tình huống trực tiếp truyền bóng nhanh mà không giữ bóng không phải lúc nào cũng có thể làm được. Có lúc, vì muốn đá bóng được chính xác, cầu thủ phải giữ bóng lại để chuyền hay đá từ tư thế thuận lợi hơn. Ngoài ra, trong việc phối hợp chiến thuật phải giữ bóng lại chờ đồng đội chạy đến thích hợp nhất rồi mới chuyền bóng.
2.2.2. những yêu cầu đối với kỹ thuật giữ bóng
- ĐỘNG TÁC GIỮ BÓNG PHẢI NHANH
Bóng đá ngày nay đòi hỏi sự thực hiện kỹ thuật phải nhanh và hợp lý. Giữ bóng cũng vậy. Mặt khác, giữ bóng làm giảm tốc độ độ tấn công và có mâu thuẫn với phương hướng nhanh của môn bóng đá nhưng đó là yêu cầu bắt buộc của tình hình trên sân nên nó vẫn được coi trọng. Vì vậy, động tác giữ bóng cần tránh hoa mỹ một cách vô ích. Khi giữ bóng, cầu thủ phải tranh thủ thời gian, sử dụng kiểu giữ bóng hợp lý nhất đồng thời đạt đến yêu càu khống chế được bóng, thuận lợi cho việc kế tiếp. Sự chuyển tiếp giữa động tác giữ bóng và động tác sau đó (dẫn bóng, đá bóng… ) cũng phải thật nhanh. Trong điều kiện có thể trực tiếp chuyền bóng thì không nên giữ bóng.
- PHƯƠNG PHÁP VÀ ĐỘNG TÁC GIỮ BÓNG PHẢI CĂN CỨ VÀO DỰ ĐỊNH CỦA ĐỘNG TÁC SAU ĐÓ MÀ QUYẾT ĐỊNH
Giữ là nhằm làm cho động tác sau thực hiện được chính xác, do đó phương pháp và động tác giữ bóng cần căn cứ vào ình hình hoạt động của đối phương mà quyết định.
Ví dụ: nếu đối phương ở xa thì có thể giữ bóng xa người hơn, nếu đối phương ở bên phải người giữ nên đẩy bóng sang trái… như vậy mới có thể lơịi dụng cơ thể che bóng và tránh sự cản phá của đối phương khi cầu thủ làm động tác kế tiếp. Quan sát tình hình xung quanh trước khi giữ bóng là một vấn đề rất cần thiết.
- KHÔNG ĐỂ ĐỐI PHƯỚNG ĐOÁN BIẾT ĐỘNG TÁC VÀ HƯỚNG GIỮ BÓNG
Muốn vậy, động tác phải nhanh và thuần thục. Tuyệt đối tránh làm tư thế chuẩn bị giữ bóng quá sớm, đối phương sẽ biết trước ý định.
- ĐỘNG TÁC GIỮ BÓNG CẦN KẾT HỢP VỚI ĐỘNG TÁC GIẢ
Làm cho đối phương đoán lầm ý định của mình; thí dụ; bóng bay đến là là, cầu thủ vung chân giả làm động tác đá bóng bay, đối phương thấy vậy không xô lại nữa thì cũng là lúc cầu thủ chuyển qua động tác giữ bóng bằng lòng bàn chân, khống chế bóng không gặp sự tranh cướp bóng của đối phương.
2.2.3. phương pháp giữ bóng và nội dung động tác
Trong quá trình thi đấu, rất nhiều bộ phận cơ thể có thể tiếp xúc bóng để giữ bóng lại (trừ hai tay và phái sau của cơ thể: lưng, gáy… vì cầu thủ không thể quan sát được bóng). Ta có thể chia làm:
- PHƯƠNG PHÁP GIỮ BÓNG THẤP (bóng lăn)
- Giữ bằng lòng bàn chân.
- Giữ bóng bằng mu giữa.
- Giữ bóng bằng mu ngoài.
- Giữ bóng bằng gan bàn chân.
- PHƯƠNG PHÁP GIỮ BÓNG NỬA NẨY
- Giữ bóng bằng gan bàn chân.
- Giữ bóng bằng lòng bàn chân.
- Giữ bóng bằng mu ngoài.
- Giữ bóng bằng bụng.
- PHƯƠNG PHÁP GIỮ BÓNG CAO
- Giữ bóng bằng mu giữa.
- Giữ bóng bằng lòng bàn chân.
- Giữ bóng bằng đùi.
- Giữ bóng bụng.
- Giữ bóng bằng ngực.
- Giữ bóng bằng đầu.
2.2.3.1. giữ bóng thấp
Thường dùng để giữ bóng lăn hay bóng bay từ phía trước mặt tới.
Chân trụ của cầu thủ đặt thẳng hướng bóng đến, hay khuỵu, trọng tâm dồn vào chân trụ để chân giữ bóng tự do đưa về trước chuẩn bị tiếp xúc bóng, chân giữ bóng thả lỏng, khớp gối hơi co, đầu gối xoay ra ngoài; bàn chân xoay 90o hướng lòng bàn chân về phái bóng đến, gan ba fn chân song song với mặt đất, ngang tầm bóng khi lăn; vai cùng phía chân trụ hơi xoay và ngả về trước, thân người nghiêng về phía bóng đến. Hai tay dang tự nhiên giữ thăng bằng.
Khi bóng sắp đến thì chân giữ bóng rút về với tốc độ thích hợp sao cho bóng đuổi kịp, chạm vào bàn chân. Tốc độ kéo chân về sau tuỳ thuộc tốc độ lăn đến của bóng và ý định của động tác kế tiếp. Nếu bóng đi mạnh thì rút chân nhanh và nếu bóng lăn yếu thì rút chân chậm hoặc không cần kéo chân về phía sau.
Giữ bóng bay từ đầu gối trở xuống và giữ bóng sệt tương đối giống nhau nhưng do góc độ bóng đến không giống nhau các góc độ giơ chân đón bóng không giống nhau. Lúc giữ bóng, chân giữ bóng giơ lên càng cao thì độ gập của khớp gối càng lớn (hình 26). Trong trường hợp bóng bay đến cao, có thể nha r y lên để giữ bóng bằng lòng bàn nhân (hình 27).
Động tác giữ bóngbằng lòng bàn chân rất dễ chính xác bởi vì diện tiếp xúc (lòng bàn chân) rất phẳng và rộng, động tác đơn giản, dễ thực hiện.
Thừơng dùng để giữ bóng bay thấp từ phía trước mặt tới.
Chân trụ cầu thủ đặt thẳng với hướng bóng, hơi khuỵu để giữ thăng bằng. Trọng tâm cơ thể dồn sang chân trụ.
Chân giữ bóng căn cứ theo độ cao của bóng mà nâ ng lên cho thích hợp khớp gối gập, cẳng chân thả lỏng, mũi chân chúc xuống, dùng mu giữa bàn chân giữ bóng.
Những yếu lĩnh động tác khác của kiểu giữ bóng này dựa trên nguyên tắc giảm tốc độ bay của bóng như giữ bóng bằng lòng bàn chân.
Phương pháp giữ bóng này do vị trí tiếp xúc giữa chân và bóng hơi hẹp nên khó chính xác hơn giữ bóng băng lòng bàn chân (hình 28).
Thừơng dùng để giữ bóng bay hay lăn đến từ hai bên của thân người (bóng bay từ phía nào đến thì giữ bóng bằng chân bên đấy). Trước khi làm động tác, đầu gối chân trụ hơi khuỵu một chút để giữ thăng bằng cho cơ thể. Chân giữ bóng nhấc lên nhưng không lên cao hơn độ cao của bóng để tránh trường hợp bóng lọt qua gan bàn chân.
Căn cứ vào tốc độ bóng đến nhanh hay chậm mà chân giữ bóng có động tác khéo lếo về sau thích hợp để giữ bóng. Vị trí tiếp xúc bóng là mu ngoài làm bóng nảy sang bê n cạnh nên thường kê tốc độ hợp với giữ bóng là cầu thủ cầu thủ làm động tác chuyển thân 90o về phía chân giữ bóng.
Tuy nhiên động tác này ít dùng vì nếu bóng đến từ hai bên thì có thể giữ bóng bằng lòng bàn chân. Chỉ khi bóng di chuyển dột nhiên từ phía bên cạnh đến, trọng tâm có thể lại nằm trên chân xa bóng, không kịp chuyển trọng tâm thì mới dùng mu ngoài bàn chân giữ bóng.
Nếu bóng từ trước mặt đến, muốn chuyển hướng thì có thể dùng mu ngoài giữ bóng. Do bóng từ trước mặt đcến mà phương giữ bóng lại là hai bên nên tác dụng của động tác giảm lực (kéo chân ra sau) lúc giữ bóng không rõ ràng nắm. Vì thế, khi giữ bóng, nên theo đà ngả thân mà cầu thủ chuyển theo hướng giữ bóng nhằm nhanh chóng khống chế được bóng. Phương pháp giữ bóng này thường kết hợp với động tác giả.
Thường sử dụng bóng lăn từ trước mặt tới. Khi làm động tác, chân trụ hơi khuỵu thân người hơi ngả về trước. Bàn chân giữ bóng làm động tác co, mũi chân hếch lên trên, hướng gan bàn chân về phía bóng. Khi bóng đến, chân giữ bóng thả lỏng, tiếp xúc bóng bằng gan bàn chân. Có thể giữ bóng dính ngay dưới gan bàn chân hoặc hơi đẩy bóng về trước để làm động tác kế tiếp được thuận lợi (hình 29).
2.2.3.2. giữ bóng nửa nảy
Nhìn chung, bóng bay từ trên không rơi xuống tạo với với đất thành một góc từ 45o đến 60o thì dùng phương pháp giữ bóng nửa nảy là hợp lý nhất. Các cầu thủ chỉ giữ bóng nửa nảy khi không kịp giữ bóng trên không.
GIỮ BÓNG NỬA NẢY BẰNG LÒNG BÀN CHÂN
Đầu tiên cầu thủ cần phán đoán đúng điểm rơi và thời điểm bóng chạm đất. Chân trụ đặt bên cạnh điểm rơi đó và hơi ngả về phía trước. Gót chân trụ trùng với đường kéo dài của mép bóng phía trước. Nhờ thế mà tránh được những trường hợp bóng luồn qua chân.
Chân giữ bóng đưa về sau tạo với đất một góc chừng 45o. Chân giữ bóng phải thả lỏng, hai mắt quan sát bóng, lúc bóng vừa nảy lên thì áp lòng bàn chân đè bóng xuống mặt đất.
Như vậy, động tác giữ bóng nửa nảy không dựa trên nguyên tắc thu chân về để giảm tốc độ của bóng như mọi kiểu giữ bóng khác ngay cả trường hợp bóng bay đến râ tốc độ mạnh. Lý do đơn giản là động tác giữ bóng này dùng bàn chân áp bóng xuống đất nên lực đẩy giữa chân và bóng dù có lớn, nhưng bóng không bị bật nảy ra xa.
GIỮ BÓNG NỬA NẢY BẰNG MU NGOÀI
Thường sử dụng khi bóng bay đến từ 2 bên.
Lúc bóng đến, đầu gối chân trụ hơi khuỵu, trọng tâm nằm trên chân trụ, hai tay dang tự nhiên giữ thăng bằng.
Chân giữ bóng thả lỏng nâng lên và đưa cẳng chân, bàn chân vào phía trong, tạo thành với phương thẳng đứng một góc 39o.
Khi bóng nảy lên, cầu thủ dùng mu ngoài bàn chân áp nhẹ bóng sang bên cạnh, giữ bóng trong phạm vi khống chế của mình (hình 31).
Nếu bóng đến từ phía trước mặt, phương pháp động tác giống như cách giữ bóng từ hai chân đến. Do bóng đến từ phía trước mà mặt hướng giữ bóng là hai bên nên tác dụng của động tác giảm tốc độ của bóng không rõ ràng và để khống chế bóng được tốt hơn, khi làm động tác, chân cần chuyển theo hướng.
GIỮ BÓNG NỬA NẢY BẰNG GAN BÀN CHÂN
Thường sử dụng khi bóng nảy trước mặt. Động tác này có thể thực hiện chính xác và hầu như là kiểu duy nhất để xử lý những trường hợp bóng nảy nhanh ở phía trước.
Khi làm động tác, chân trụ hơi khuỵu, hướng về phía bóng rơi; chân giữ bóng nâng về phía trước, gối hơi co, bàn chân gập vào thành góc chếch so với mặt đất. Độ cao của gan bàn chân so với đất sẽ lớn hơn khi góc độ bóng rơi lớn và ngược lại.
Lúc bóng nảy lên, cầu thủ khuỵu chân trụ, dùng gan bàn chân của chân giữ bóng áp xuống làm cho bóng bị đè xuống đất hoặc nảy nhẹ về phía trước.
GIỮ BÓNG NỬA NẢY BẰNG CẲNG CHÂN
Được sử dụng khi bóng rơi ngay trước hai chân của cầu thủ.
Sau khi xác định điểm rơi của bóng, cầu thủ dạng hai chân cách chỗ bóng rơi khoảng 20cm, khoảng cách giữa hai chân chừng 10cm (vừa đảm bảo được chắn bóng nảy lên lọt qua khe giữa hai cẳng chân).
Trọng tâm cơ thể nằm trên hai chân, thân hơi ngả về trước.
Lúc bóng từ đất nảy lên, hai chân hơi khuỵu, dùng hai cẳng chân áp bóng xuống. Nếu muốn giữ bóng nằm sát chân thì cần đứng gần điểm bóng rơi hơn, nếu muốn giữ bóng xa người thì hai chân đứng cách điểm bóng rơi xa hơn, đồng thời lúc tiếp xúc bóng thì dùng cẳng chân vừa ép vừa đẩy bóng về trước.
Kỹ thuật giữ bóng này ít được sử dụng trên sân, bởi vì do hai chân đều khuỵu và cơ thể ngả về trước nên sau khi giữ bóng, làm động tác kế tiếp sẽ khó khăn và chậm. Nên chỉ sử dụng kiểu đá bóng khi không còn biện pháp nào khác.
Ngoài ra, còn kiểu giữ bóng bằng một cẳng chân (động tác giống như giữ bóng bằng hai cẳng chân) thường được dùng kết hợp với động tác giả trước khi chuyeefn hoặc sút cầu môn. Thí đánh đầu; cầu thủ đứng hứơng về cầu môn đối phương, khi bóng rơi trước mặt bên làm động tác giả đá bóng rồi dùng cẳng chân giữ bóng trước mặt, sau đó mới sút cầu môn hoặc chuyền bóng.
Thường dùng khi bóng nảy trước mặt, góc độ nhảy tương đối cao và cầu thủ không kịp giữ bóng bằng chân.
Lúc giữ bóng, cầu thủ hướng về phía bóng nảy, thân ngả về trước dùng bụng giữ bóng. Khi tiếp xúc, các cơ bụng phải co để tạo thành mặt tiếp xúc có độ cứng, ttránh trường hợp bóng nảy mạnh làm tức bụng (các cơ quan trong khoang bụng chấn động mạnh, đau).
2.2.3.3. giữ bóng trên không (trung bình và cao)
Những kiểu giữ bóng này được dùng rất phổ biến và thuận lợi nhất. Mặt khác, các kiểu giữ bóng này rất có lợi do không bị ảnh hưởng của sân bãi (gồ ghề, mấp mô, trơn ướt…).
GIỮ BÓNG TRÊN KHÔNG BẰNG MU GIỮA
Thường được dùng khi bóng bay ngang hay rơi trước mặt, tầm cao từ hông trở xuống. Khi làm động tác, chân trụ hướng thẳng về trước hơi khuỵu. Chân giữ bóng nâng về trước, đầu gối hơi co, mu chân duỗi thẳng, cẳng chân thả lỏng, mắt quan sát bóng.
Khi bóng sắp tới mu bàn chân, đùi và cẳng chân lăng thả lỏng hạ xuống, mu giữa bàn chân chuyển động cùng chiều nhưng chậm hơn bóng. Bóng chạm vào mu bàn chân nảy ra nhưng vì có động tác làm giảm lực của mu bàn chân nên đường bóng nảy lại rất nhẹ, nằm trong phạm vi khống chế của cầu thủ (hình 32).
Chân giữ bóng đưa cao hay thấp là tuỳ theo độ cao của bóng bay đến, nếu góc độ bóng đến lớn thì chân giơ cao hơn nhằm kéo dài cự ly chuyển động của chân để giảm tốc độ của bóng, khi đó chân trụ kiễng lên.
GIỮ BÓNG TRÊN KHÔNG BẰNG LÒNG BÀN CHÂN
Thường dùng để giữ những đường bóng bay ngang, tầm cao từ ngực trở xuống (nếu bóng rơi cầu vồng thì ít khi dùng động tác này). Hướng bóng bay đến để giữ kiểu này có thể từ phía trước mặt, từ bên cạnh (nếu bóng bay từ bên trái đến thì giữ bóng bằng lòng bàn chân phải và ngược lại).
Khi làm động tác, chân trụ hơi khuỵu để giữ thăng bằng, trọng tâm cơ thể dồn vào chân trụ. Chân giữ bóng lấy khớp hông làm trục nâng đùi lên. Góc đô của cẳng chân với đùi tuỳ thuộc vào độ cao của bóng bay đến và khoảng cách tới thân để “mở” cho thích hợp. Cũng tuỳ hướng bóng đến mà đùi xoay ra ngoài, sao cho lòng bàn chân có hướng vuông góc với chiều bóng bay đến, cẳng chân giữ bóng thả lỏng. Khi bóng đến, chân giữ bóng làn động tác giảm “tốc độ”, bóng chạm lòng bàn chân và nảy nhẹ trở lại, cầu thủ có thể làm động tác điều khiển bóng tiếp tục.
Phương pháp động tác này cũng có thể áp dụng cho động tác giữ bóng bằng mu ngoài. Nhưng nếu giữ bóng bằng mu ngoài thì chỉ thực hiện khi bóng bay từ phía bên cạnh cầu thủ đến. Bóng từ phái nào thì dùng chân phía bên ấy để giữ bóng (hình 27).
Thường dùng để giữ bóng cao từ ngực tới đầu gối.
Cầu thủ đứng đối diện với bóng, chân trụ hơi khuỵu, thẳng hướng bóng đến, trọng tâm cơ thể dồn vào chân trụ.
Chân giữ bóng nâng lên (đùi hàu như song song với mặt đất) đùi và cẳng chân tạo thành một góc 50o – 60o. Khi bóng đến, cầu thủ làm động tác thả lỏng, hạ đùi cùng chiều, bóng chạm phần dưới của đùi, nảy nhẹ về trước, có kiểu giữ bóng bằng đùi, cầu thủ không hạ đùi khi tiếp xúc bóng mà giữ nguyên tư thế chuẩn bị làm cho bóng nảy thẳng lên rồi rơi xuống đất.
Kiểu trước được sử dụng khi không có đối phương kèm chặt.
Kiểu sau được sử dụng lúc đối phương kèm sát, phải cho bóng rơi gần để đối phương khó tranh cướp (hình 33).
Thường dùng để giữ bóng trên cao, diện tiếp xúc của ngực với bóng lớn và phẳng nên đảm bảo độ chính xác cao. Căn cứ vào đặc tính của đường bóng bay đến mà có 2 loại giữ bóng bằng ngực:
- Loại ưỡn ngực
Dùng để giữ bóng có đường bay cầu vồng khi chuuyển bị, hai chân dạng rộng bằng vai, đầu gối hơi khuỵu, thân người ngả về sau, mắt nhìn bóng, hai tay dang tự nhiên và tránh chạm bóng. Chân duỗi thẳng lên, ngực ưỡn khi bóng chạm ngực làm cho bóng nảy lên trên ngực (hình 34).
- Loại hóp ngực
Thường dùng để giữ bóng bay ngang và tương đối căng.
Khi chuẩn bị, cầu thủ đứng chân trước chân sau, đầu gối hơi khuỵu, thân ngả về sau, mắt nhìn bóng, hai tay dang tự nhiên, tránh chạm bóng.
Khi bóng sắp tới, ngực hóp lại, thót bụng vào, thu chân về trước. Lúc cầu thủ đang làm động tác thì bóng chạm ngực và đồng thời cầu thủ dùng ngực áp bóng rơi xuống đất. (hình 35).
Là kiểu giữ bóng tương đối khó, một mặt vì xương đầu cứng không giống các bộ phận khác của cơ thể thường có nnhiều cơ bao bọc, có đàn tính. Mặt khác, tính linh hoạt của khớp cổ không cao, biên độ hoạt động khi làm động tác giữ bóng không rộng và khéo léo nên khó giữ bóng chắc. Nhìn chung, chỉ trong điều kiện không thể giữ bằng kiểu khác hoặc không thể trực tiếp đánh đầu thì cầu thủ mới dùng đầu để giữ bóng.
Khi chuẩn bị giữ bóng, cầu thủ đứng chân trước chân sau, đầu gối hơi khuỵu, kiễng gót chan lên, hai tay dang tự nhiên, mắt quan sát bóng.
Khi bóng sắp đến, đầu và chân đồng thời ngả về sau, hai gối khuỵu xuống nữa. Bóng chạm đầu trong tư thế giảm tốc độ như vậy nên rơi nhẹ trước mặt cầu thủ.
Nếu góc độ bóng đến hơi lớn thì có thể dùng phương pháp nhảy lên dùng đầu giữ bóng. Dùng phương pháp này cần chú ý là thời gian dậm nhảy phải sớm hơn thời gian bóng trên không của các kiểu giữ bóng khác vì cầu thủ nhảy lên điểm cao nhất và khi bắt đầu rơi xuống mới được tiếp xúc bóng. Do đó, bóng theo đà rơi xuống của cầu thủ mà tốc độ bị giảm. Làm động tác này phải chú ý giữ thăng bằng cho cơ thể khi ở trên không, để đầu làm động tác tiếp xúc bóng.
2.3. Kỹ thuật dẫn bóng:
2.3.1.Tầm quan trọng.
Trong quá trình thi đấu có nhiều trường hợp cầu thủ không thể trực tiếp chuyền bóng đi; cũng có lúc để đạt được yêu cầu về chiến thuật mà cần phải khống chế bóng trong chân (vì khi đấu thủ có bóng thì bị đối phương đến tranh bóng thì đồng đôi chưa tiếp ứng kịp); do đó phải dẫn bóng.
Dẫn bóng là sự di chuyển của đấu thủ cùng với bóng.
Mục đích của việc dẫn bóng là nhằm thoát sự tranh cướp của đối phương, hoặc lôi kéo đối phương rời khỏi vị trí phòng thủ của mình, tạo thành chỗ trống và nhằm có điều kiện quan sát tình hình trên sân.
Theo sự phát triển không ngừng của bóng đá, kỹ thuật dẫn bóng đã đạt đến trình độ cao, một cầu thủ bóng đá ưu tú, đặc biệt là tiền đạo phải nắm vững kỹ thuật này một cách toàn diện và điêu luyện.
Chúng ta đều biết rằng bóng đá hiện đại đòi hỏi nhịp điệu và tốc độ thi đấu cao. Trong khi đó, cầu thủ dẫn bóng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới tốc độ tấn công; hãy so sánh các số liệu:
- Đá bóng mạnh, xa 20m mất 1s5.
- Đá bóng vừa, xa 20m mất 2s.
- Dẫn bóng thật nhanh, 20m mất 3s.
Tuy vậy dẫn bóng vẫn là một bộ phận của kỹ thuật bóng đá và nhiều khi nó trở thành cần thiết và hợp lý. Trongthi đấu, động tác dẫn bóng vẫn được sử dụng thừơng xuyên và gắn liền với các động tác khác như giữ bóng, đá bóng, động tác giả. Bởi vậy cầu thủ phải nắm thuần thục các kiểu dẫn bóng, thuần thục các kiểu dẫn bóng để vận dụng nó trong thi đấu một cách chợp lý và hiệu quả.
2.3.2 Những yêu cầu đối với kỹ thuật dẫn bóng.
- Khi dẫn bóng, bước chạy ngắn và vững vàng. Nếu bước quá lớn thường làm lực tác dụng vào bóng mạnh, bóng bị nẩy xa không kkhống chế được; khi cần chuyển hướng dẫn bóng rất khó.
- Động tác dẫn bóng cần nhịp nàng, hai tay đấnh tự nhiên, sẵn sàng chuyển bị chuyển hướng, hoặc chuyển hướng sút cầu môn.
- Dẫn bóng không có nghĩa là liên tục dùng chân đá bóng mà là dùng chân đẩy bóng, bóng cách người không quá 1 – 1,5m. Như thế muốn thực hiện ý định khác (chuyển hướng, đá bóng …) cầu thủ mới kịp chuyển hướng theo ý muốn.
Trong tình huống không có đối phương tranh cướp, cự ly giữa người và bóng có thể xa hơn (cầu thủ đẩy bóng mạnh hơn) để tranh thủ chạy nhanh khắc phục khoảng không gian trước mặt.
- Khi có đối phương đuổi theo, cầu thủ phải dùng người che bóng và dùng chân cách xa đối phương để dẫn bóng. Nếu đối phương đuổi theo tranh cướp ở bên phải thì cầu thủ hơi nghiêng người sang phải (phía đối phương) để che bóng và dùng chân trái dẫn bóng. Do vậy, cầu thủ phải biết các kiểu đá bóng và vận dụng thuần thục cả hai chân.
- Lúc dẫn bóng cần quan sát tình hình trên sân. Điều này bảo đảm cho cầu thủ biết đánh giá toàn bộ tình huống thi đấu, tranh thủ thời cơ có lợi ở khu vực nào đó để chuyền bóng phối hợp với đồng đội.
Muốn thế kỹ thuật dẫn bóng của cầu thủ phải thuần thục, tầm quan sát phải rỗng, trong khi dẫn bóng vẫn quan sát tình hình chung hoặc vừa quan sát vừa dẫn bóng để tiếp tục làm động tác dẫn bóng. Ơ những cầu thủ ưu tú thì dẫn bóng, chủ yếu là quan sát tình hình trên sân mà ít nhìn bóng.
2.3.3 Phương pháp dẫn bóng về nội dung động tác.
Căn cứ vào vị trí, không gian của bóng, có những phương pháp dẫn bóng sau:
- Dẫn bóng bằng mu trong.
- Dẫn bóng bằng mu ngoài.
- Dẫn bóng bằng lòng bàn chân.
- Dẫn bóng bằng mu trong
- Dẫn bóng bằng mu giữa.
- Dẫn bóng bằng đùi.
- Dẫn bóng bằng đầu.
2.3.3.1. dẫn bóng lăn sệt dưới đất
Được dùng tương đối phổ biến vì cầu thủ luôn luôn khống chế được bóng và nếu cần thì dễ làm động tác chuyển hướng kết hợp với động tác giả. Kiểu dẫn bóng này tương đối nhanh.
Vị trí bàn chân tiếp xúc bóng giống như động tác đá bóng bằngmu trong.
Khi dẫn bóng, chạy nhịp nhàng, bước chạy bình thường; nếu bước chạy trùng với thời cơ tiếp xúc bóng khki cơ thể đang bay trên không, mũi bàn chân (phía trước tức là chân dẫn bóng) hơi xoay ra ngoài, đầu gối “ mở” ra, hướng mu trong bàn chân về phía trước đồng thời cẳng chân hơi lăng duỗi ra, dùng mu trong bàn chân đẩy bóng về phía trước.
Do thời cơ đẩy bóng là lúc chân trước sắp rơi xuống mặt đất nên trong bước chạy đẩy bóng cầu thủ phải phán đoán tốc độ lăn của bóng để có bước chạy thích hợp. Động tác đẩy bóng cần mềm mại, thả lỏng cơ bàn chân và cẳng chân. Lúc chân chạm bóng thì bụng hơi ưỡn về phía trước tay dang tự nhiên .
Kiểu dẫn bóng này được dùng nhiều khi cầu thủ cần dẫn bóng thẳng hướng chạy, nhất là khi cần phát huy tốc độ dẫn bóng thật nnhanh. Nhưng nếu muốn chuyển hướng thhì có khó khăn hơn.
Vị trí tiếp xúc của chân với bóng là mu giữa. Cầu thủ chạy thẳng, nhịp nhàng. Ở bước chạy đẩy bóng, chân đạp sau hơi mạnh hơn bình thường, thích hợp với tầm cơ thể rơi xuống để chân làm động tác đẩy bóng. Khi chuẩn bị tiếp xúc, chân trước thả lỏng, cẳng chân lăng nhẹ về trước, mu chân duỗi căng, dùng mu giữa bàn chân đẩy bóng, chính vì động tác này không phải bẻ đầu gối và bàn chân ra ngoài như động tác daaxn bóng bằng mu trong nên cầu thủ tranh thủ chạy dẫn bóng nhanh hơn (hình 37).
Kiểu dẫn này tương đối nhanh và được sử dụng nhiều nhất khi có đối phương đuổi theo tranh cướp. Nếu đối phương ở bên phải thì dùng má ngoài chân trái để dẫn bóng. Như vậy toàn thân cầu thủ là “từơng” ngăn cách giữa đối phương và bóng; nhất là khi dẫn bóng mu ngoài thì cự ly giữa đối phương và bóng lại càng xa. Mặt khác, kiểu dẫn bóng cũng giúp đổi hướng dẫn bóng được dễ dàng, thuận lợi.
Vị trí tiếp xúc của chân và bóng là mu ngoài. Vì thế, trong bước chạy đẩy bóng khi ở trên không, cầu thủ phải làm động tác xoay khớp hông và xoay mũi chân của chân trước vào trong (chân dẫn bóng ) để khi sắp rơi xuống đất, cẳng chân lăng nhẹ, dùng mu ngoài bàn chân đẩy bóng lăn về phía trước. Các yếu lĩnh khác giống nư dẫn bóng bằng mu trong, mu giữa (hình 38).
Kiểu dẫn bóng này thường dùng khi có đối phương ở trước mặt. Cầu thủ đẩy bóng nhẹ cách người 0,5 – 1m. Luôn luôn chuẩn bị xử lý với những tình huống thay đổi (chuyền bóng, động tác giả).
Động tác dẫn bóng bằng kiểu này không nhanh và thường kết hợp với động tác chuyển hướng bóng. Khi tiếp xúc bóng, cầu thủ xoay hông, bẻ chân dẫn bóng ra ngoài, khớp gối hơi co, dùng lòng bàn chân đẩy nhẹ bóng. Cũng có thể đẩy bóng khi cơ thể đang bay trên không (khi chạy), hoặc có thể đẩy bóng khi đang đi, có chân trụ đặt vững chắc trên đất.
2.3.3.2. dẫn bóng trên không
Kiểu dẫn bóng này tức là dùng mu giữa, đầu hoặc đùi liên tiếp tâng bóng nảy trên không trong khi cầu thủ di chuyển. Những phương pháp này rất ít được sử dụng trong thi đấu mà thường là các nội dung khởi động nhằm nâng cao trình độ khéo léo, mềm dẻo và cảm giác của chân, đầu với bóng cho cầu thủ.
2.4 Kỹ thuật động tác giả:
2.4.1 Tầm quan trọng.
Các động tác giả chiếm vị trí quan trọng trong kỹ thuật của cầu thủ bóng đá. Những động tác giả đã lôi cuốn đối phương, tạo điều kiện cho cầu thủ thực hiện ý định của mình không phải gặp trở ngại.
Động tác giả dựa trên nguyên tắc cơ bản là sự thay đổi bất ngờ: đặc điểm hoạt động của cầu thủ, nhịp điệu hoàn thành động tác, tốc độ di chuyển, sự thay đổi phương hướng động tác đột ngột, vọt chạy, dừng, quay người… với tốc độ nhanh.
Cầu thủ nào thực hiện động tác giả một cách tự nhiên, thoải mái thì sẽ đạt được kết quả nhanh hơn, dễ đàng hơn. Bằng cách sử dụng động tác giả khác nhau một cách khôn khéo và kịp thời, cầu thủ có thể dấu được ý điịnh thật của mình, đánh lừa đựoc đối phương giành phần thắng khi ttanh chấp và thoát khỏi tình thế gay go.
Căn cứ vào tình huống trên sân và chủ yếu là thế công của đối phương (ở phía trước, phía sau hay bên cạnh) mà cầu thủ chọn biện pháp sử dụng động tác giả. Vì thế các cầu thắccần nắm vững không phải một động tác giả nào đó mà cần thiết phối hợp các động tác giả kkhác nhau từ đó có thể chọn một động tác giả tốt nhất tuỳ theo tình huống phức tạp trên sân.
Mặt khác, cần thấy rằng sử dụng động tác giả là việc làm cần thiết do yêu cầu của tình hình chiến thuật trên sân; tuyệt đối tránh những động tác giả hoa mỹ và thừa, kkhông thực dụng, làm ảh hưởng chung đến chiến thuật của toàn đội.
Động tác giả cũng như tất cả các biện pháp kỹ thuật khác được cầu thủ vận dụng trong quá trình thi đấu là kết quả của sự rèn luyện công phu, gian khổ kết hợp với óc sáng tạo và sự nhanh trí. Sự hoàn thành các kỹ thuật một cách mẫu mực, đặc biệt là các động tác giả, bao giờ cũng được khán giả thán phục và làm cho trận đấu có sức lôi cuốn đặc biệt.
2.4.2 Những yêu cầu đối với động tác giả
Các động tác giả thật là muôn hình muôn vẻ và rất phức tạp. Nội dung của động tác lại bao gồm toàn bộ kỹ thuật cơ bản của môn bóng đá.
Thí dụ; động tác giả đá bóng, động tác giả đánh đầu, động tác giả dẫn bóng… Phương hướng khi thực hiện động tác giả cũng rất đa dạng: bên phải, bên trái, trước, sau, trên, dưới. Ngoài ra, không những chân mà cả tay, đầu, thân đều có thể làm động tác giả.
Muốn vận dụng động tác giả một cách không ngoan và kịp thời, phải theo những yêu cầu sau:
- Động tác phải thật nhanh, phải đột nhiên, đồng thời quan sát sự phản ứng của đối phương, cầu thủ phải lơi dụng chỗ sơ hở (chỗ trống) của đối phương mà sử dụng động tác kế tiếp, cho nên thời gian chuyển tiếp giữa hai giai đoạn của động tác phải ngắn.
- Động tác phải “giống như thật”; có như thế, đối phương mới tưởng lầm, phản ứng theo hàng động của cầu thủ. Khi cầu thủ làm động tác “thật” đột ngột, nhanh thì đối phương không kịp đối phó nữa.
- Động tác giả phải có mục đích, làm động tác giả là nhằm mục đích gì đó và có ý nghĩa chiến thuật. Do đó phải căn cứ vào yêu cầu chiến thuật trên sân để quyết định cách sử lý bóng. Sau kkhi hoàn thành động tác giả, đánh lừa đựơc đối phương thì phải lập tức làm động tác kế tiếp theo dự kiến trước của mình (như chuyền bóng, dẫn bóng, đột phá hoặc sút cầu môn …). Không nên lãng phí thời gian và cơ hội tốt vừa giành được sau khi thực hiện động tác giả, cũng không nên có ý thức biểu diễn, thích làm những động tác thừa vô ích.
- Phải tuỳ cơ ứng biến khi làm động tác giả, căn cứ vào tình hình trên sân cầu thủ chọn kiểu động tác giả thích hợp. Cần phải đoán trước nếu làm động tác này thì đối phương sẽ phản ứng ra sao. Cũng cần phải dự kiến nếu đối phương phản ứng kịp với động tác thật của mình để có cách giải quyết kịp thời.
- Phải nắm vững thời gian và cự ly làm động tác giả, phải tuỳ tư thế của đối phương (chạy từ phía trước mặt tới, bên cạnh tới…chạy nhanh, chạy chậm…) và tư thế của bản thân (chạy nhanh, chậm…) mà quyết định cự ly làm động tác cách đối phương cho thích hợp.
Thí dụ: nếu đối đối phương chạy ngược chiều đến cầu thủ đang dẫn bóng thì có thể làm động tác giả cáhc xa đối phương (4 – 5m) nhưng nếu cầu thủ có bóng và đối phương cướp bóng hầu như đứng tại chỗ thì chỉ nên làm động tác giả chách chừng 2m.
- Phải nắm vững nhiều kiểu động tác. Có như thế cầu thủ mới sử dụng linh hoạt kịp thời và biến hoá trong mọi tình huống thi đấu.
2.4.3 Các kiểu động tác giả và nội dung các động tác giả
Các động tác giả có thể chia làm 2 loại chủ yếu là: động tác giả có bóng và động tác giả không bóng.
2.4.3.1. Động tác giả không bóng
Động tác giả không bóng là những động tác gải mà cầu thủ thực hiện trước khi tiếp xúc bóng và khống chế bóng. Làm động tác giả không bóng nhằm giành được bóng hoặc đánh lừa đối phương để khống chế và xử lý tốt hơn.
Phương pháp động tác giả không bóng có rất nhiều, thí dụ; thủ môn làm động tác giả của thân và tay trước lúc đối phương sút phạt đền. Khi đối phương sắp sút bóng, cầu thủ thủ ngả về một bên (chân thủ mon không di chuyển theo như luật quy định) làm người đá phạt do dự, đổi hướng sút bóng, ảnh hưởng đến độ chính xác. Một thí dụ khác; hậu vệ muốn tranh cướp bóng bên trái trong chân đối phương đang dẫn bóng. Cầu thủ này giả tranh cướp bóng bên phải làm đối phương tưởng thật bèn chuyển bóng sang bên trái. Do có sự chuẩn bị trước là tranh cướp bên trái nên hậu vệ đã kịp thời phá được quả bóng đó.
2.4.3.2. Động tác giả có bóng
Động tác giả có bóng gồm những động tác giả mà cầu thủ đang có bóng tìm cách để vượt qua sự đối kháng của đối phương. Một mặt, cầu thủ phải làm động tác giả, mặt khác phải bảo vệ được bóng nên so với động tác giả không bóng thì khó hơn. Những động tác giả có bóng rất phong phú và ngoạn mục.
Sau đây là một số trường hợp sử dụng động tác giả khi đối phương tranh cướp.
Nhận bóng chuyền tới từ phía trước.
VỜ NGẢ ĐẦU ĐỂ ĐÁNH BÓNG VỀ TRƯỚC
Bóng chuyền bổng bay tới cầu thủ A. Hậu vệ B lao phía trước tới cướp bóng. A ngả người về phía sau làm tư thế chuẩn bị đánh đầu đưa bóng về phía trước. Động tác đó làm B lưỡng lự trong việc tấn công và dừng lại để đón đầu bóng A đánh đầu đi. Khi đó, A dùng ngực ưỡn bóng lại và bắt đầu dẫn bóng.
Cũng tương tự như trường hợp trên, tầm bóng chuyền tới cao ngang thân. A không làm động tác giả đánh đầu mà dùng chân giữ bóng. A vung chân như đón đá bóng về phía trước (gây tâm lý lưỡng lự cho B) nhưng khi bóng tới thì chân sút đang lăng về trước lập tức kéo về cùng với chiều chuyển động của bóng. Động tác giữ bóng này có thể thực hiện bằng mu giữa, mu trong hoặc lòng bàn chân, cũng có thể thực hiện bằng đùi bằng đùi. Điều chủ yếu là động tác chuẩn bị đón bóng đá đi phải như thật, cộng vào đó phải quan sát phía trước như chuẩn đá bóng về hướng đó. Những “biểu hiện như thật” này sẽ làm cho hậu vệ có phản ứng nhanh và dừng lại để đón bóng hoặc tránh một cú sút mạnh vào người.
Hai động tác này chỉ nên áp dụng khi đối thủ còn ở cách khoảng trên dưới 10m bởi vì nếu quá gần, đối phương sẽ kịp thời đến phá khi ta làm động tác giữ và điều chỉnh bóng chưa ổn định.
Bóng chuyền lăn sệt tới cầu thủ thủ A, hậu vệ B tấn công, A đứng ở phía sau lưng. A làm động tác ngả người về bên trái như có ý định dùng lòng bàn chân phải kéo bóng về phía bên trái để dẫn bóng đi. Theo phản xạ tự nhiên, hậu vệ sẽ có phản ứng ngả người theo hướng của tiền đạo A để chặn đường tiến của A. khi đó, tiền đạo A nhanh chóng chuyển thân theo chiều ngược lại, dùng má ngoài chân phải hoặc lòng bàn chân trái đẩy bóng về phía trước, nơi mà hậu vệ B không còn khả năng phòng thủ. Trong trường hợp này, nếu tiền đạo sử dụng chân phải thành thạo, dùng má ngoài chan phải đẩy bóng đi thì động tác thực hiện nhanh hơn, không mất thời gian chuyển chân trụ (hình 39).
Nếu hậu vệ tấn công phía sau bên phải thì cầu thủ tiền đạo cần thực hiện động tác giả theo chiều ngược lại.
THẢ BÓNG LĂN LỌT QUA GIỮA HAI CHÂN HAY BÊN CẠNH
Ở bất kỳ khu vực nào trên sân, nhưng nhiều nhất là ở biên, nếu bóng lăn về phía cầu thủ mà hậu vệ chạy tới từ phía trước hoặc từ phía sau thì cầu thủ tiền đạo có thể sử dụng động tác này. Cầu thủ dùng tốc độ cao chạy tới đón bóng làm như nhận bóng sẽ qua cầu thủ hậu vệ bằng tốc độ. Khi đó, hậu vệ đang chạy từ phía bên hay phía sau tiền đạo, xông đến để chặn bóng tiền đạo ở phía trước hoặc ngược lại, di chuyển chậm, chuẩn bị áp sát tiền đạo có bóng.
Lúc gặp bóng, tiền đạo bất ngờ dừng lại nhanh để bóng lọt qua khoảng cách rộng giữa hai chân hay bên cạnh và quay ngược lại đuổi theo bóng thoát khỏi đấu thủ hậu vệ.
Động tác giả này mang tính bất ngờ cao và tạo cho cầu thủ tiền đạo phát huy được tốc độ.
DẪN BÓNG KHI ĐỐI PHƯƠNG Ở PHÍA SAU
Bước chân qua bóng, nghiêng mình về một phía rồi thoát đối thủ ở phía khác (hình 40).
Tiền đạo dẫn bóng, hậu vệ đuổi theo phía sau. Để đánh lừa hậu vệ buộc anh ta lao về hướng sai lầm, tiền đạo sử dụng động tác này. Tiền đạo đưa chan trái qua bóng sang bên phải hay ngược lại, đồng thời hạ người thấp xuống, ngả thân theo hướng chân đưa. Theo sau tiền đạo, hậu vệ tập trung về hướng tiền đạo di chuyển khi thấy tiền đạo nghiêng thân về bên phải, hậu vệ lập tức cũng chuyển theo thân. Khi đó, tiền đạo chủ động bất ngờ chuyển trọng tâm, thân người quay sang hướng khác, dùng chân trái đẩy bóng và thoát khỏi hậu vệ.
Tiền đạo dẫn bóng, hậu vệ ở phía sau đuổi theo. Khi hậu vệ còn cách chừng 1 mét thì tiền đạo làm động tác nghiêng mình về bên phải hay bên trái như sắp dẫn bóng về hướng đó, lưng vẫn quay về phía hậu vệ. Hậu vệ đuổi theo luôn luôn phản ứng theo các họat động của tiền đạo để chặn hướng bóng. Khi tiền đạo nghiêng thân về phía trái, hậu vệ cũng ngả theo và bắt đầu chạy theo hướng đó thì lập tức tiền lại quay về phia bên phải dùng chân đẩy bóng thoát khỏi hậu vệ. Vì bị động, hậu vệ không phản ứng kịp vì bị tiền đạo bỏ lại phía sau.
Đôi khi tiền đạo còn chuyển thân 1,2 lần nữa làm hậu vệ phản ứng liên tục, hoang mang, không còn nhạy bén để cản phá bóng nữa.
Dẫn bóng khi đối phương ở bên cạnh
Tiền đạo đang dẫn bóng, phía bên hay phái sau anh ta có đối phương đuổi theo. Tiền đạo làm động tác đánh bàn chân vận động viên về phía sau bên trên quả bóng như định giữ bóng hay đá bóng về phía sau bằng gót. Hậu vệ tưởng lầm, bèn ghìm tốc độ chậm lại. Nhưng sau khi đưa chân lăng qua bóng, tiền đạo lại tiếp tục chạy và đẩy bóng nhanh về phía trước, thoát khỏi đối phương.
Tiền đạo giữ bóng có đối phương đuổi theo bên cạnh. Đang chạy bình thường, tiền đạo bắt ngờ dùng gan bàn chân giữ bóng lại đồng thời dừng đột ngột dẫn bóng ngược lại. Đối phương lỡ đà, không kịp phòng thủ (hình 41).
Dẫn bóng khi đối phương ở trước mặt.
Đối phương chạy tới trước cầu thủ có bóng, khi đối phương tấn công sát (cách 1,5 – 2m) tiền đạo có bóng làm động tác vung chân và dùng điệu bộ, vẻ mặt của mình, tỏ ra định sút mạnh bóng về phía trước. Khi đối phương vội vã xông vào tranh bóng hay sợ hãi bởi cú sút rất mạnh, quay lưng né tránh thì tiền đạo bình tĩnh gạt bóng sang hướng khác, dẫn bóng qua.
CHẠY NHANH QUA MỘT BÊN ĐỐI PHƯƠNG, ĐỒNG THỜI ĐẨY BÓNG ĐI PHÍA KHÁC SAU CHÂN TRỤ CỦA MÌNH VÀ QUA ĐỐI PHƯƠNG
Tiền đạo dẫn bóng gần tới hậu vệ và cố gắng có được vị trí tấn công sao cho sườn hướng vào đối phương. Bất ngờ và cùng một lúc, tiền đạo chạy vụt ngang qua trước mặt hậu vệ và đẩy bóng sang phía khác bằng lòng bàn chân sau chân trụ của mình sau hậu vệ. Khi bắt đầu vụt chạy, tiền đạo ở gần đối phương và khi đã vọt qua hậu vệ, phải nhanh chóng di chuyển duỏi theo và giành lấy bóng, tiếp tục dẫn và bỏ đối phương một khoảng cách nhất định.
2.5. Tranh cướp bóng
2.5.1 Tầm quan trọng
Tranh cướp bóng chỉ những động tác của cầu thủ dùng bát cứ bộ phận cơ thể nào mà luật bóng đá cho phép để cướp lại bóng, hay phá bóng trong tầm khống chế của đối phương hoặc giành bóng về phía mình. Từ ý nghĩa trên, kỹ thuật tranh cướp bóng bao gồm hai nọ dung:
- Tranh cướp bóng trong tầm khống chế của đối phương. Nội dung này mang ý nghĩa tích cực, cầu thủ giành lại bóng để tổ chức tấn công.
- Phá bóng bằng chân, đầu…. trong khi bóng thuộc tầm khống chế của đối phương hoặc đang ở tình trạng tranh chấp nhưng không có lợi cho cầu thủ phòng ngự. Nội dung này thể hiện tính tiêu cực vì đối phương lại có thể được bóng (bóng ra biên…) tiép tục tấn công. Biện pháp này chỉ được thực hiện khi không có cách nào khác để giành lại bóng. Theo sự phát triển của môn bóng đá, kỹ thuật tranh cướp bóng trở nên quan trọng, kỹ thuật tấn công càng linh hoạt và mở rộng thì kỹ thuật tranh cướp bóng (phòng thủ) phải không ngừng được nâng cao, bảo đảm sự phòng thủ vững chắc.
Cầu thủ phải căn cứ vào tình thế và động tác của đối phương để quyết định biện pháp tranh cướp bóng hợp lý nhất. Từ đó nảy ra vấn đề: tranh bóng thuộc phạm vi kỹ thuật hay phạm vi chiến thuật.
- Phương pháp tranh cướp và quá trình thực hiện phương pháp đó thuộc về kỹ thuật.
- Thời cơ tranh cướp và quá trình thực hiện phương pháp tranh cướp thuộc về chiến thuật.
Hai vấn đề này có liên quan mật thiết với nhau nhưng những yếu tố thuộc về kỹ thuật trong tranh cướp bóng nhiều hơn và là vấn đề cơ sở tranh cướp. Bởi thế, tranh cướp bóng thuộc một loại kỹ thuật cơ bản của môn bóng đá.
Nắm vững kỹ thuật tranh cướp bóng là điều quan trọng đối với toàn đội và cá nhân. Yêu cầu của môn bóng đá hiện đại là tấn công toàn diện, phòng thủ toàn diện nên không thể cho rằng chỉ có hậu vệ mới cần thiết tranh cướp bóng mà ngay cả tiền đạo tấn công lúc mất bóng cũng phải chuyển sang phòng thủ. Khi đó, tiền đạo phải kèm đối phương, cướp lại bóng để tổ chức tấn công hoặc cản đường làm đối phương không chuyền bóng được chính xác. Đó chính là quan niệm phòng thủ tích cực của bóng đá ngày nay.
2.5.2. Những yêu cầu đối với kỹ thuật tranh cướp bóng
- Phán đoán thời cơ một cách chính xác, hành động dũng cảm, chọn vị trí hợp lý: vì thời cơ và vị trí tranh cướp bóng không thể lường trước được, tình huống luôn thay đổi, do đó yêu cầu cầu thủ phải căn cứ vào tình hình cụ thể để có sự phán đoán chính xác, hành động quả đoán. Có như vậy mới đạt được kết quả tốt.
- Trong lúc quan sát còn phải quan sát tình hình trên sân để khi được bóng thì có thể xử lý nhanh và kịp thời.
- Trong điều kiện luật cho phép, có thể dùng thân trên va chạm với đối phương một cách hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho động tác cướp bóng.
- Động tác phải linh hoạt, không khéo, tránh bị ngã và bị thương.
2.5.3. Phương pháp và nội dung tranh cướp bóng
Có nhiều kiểu tranh cướp bóng, nhưng căn cứ vào vị trí của cầu thủ tranh cướp và đối phương có bóng mà người ta có thể phân làm 3 loại:
- Tranh cướp trước mặt.
- Tranh cướp sau lưng.
- Tranh cướp bên cạnh.
Động tác tranh cướp bóng trước mặt được dùng nhiều nhát vì đó là tình thế phổ biến xảy ra ki đối phương có bóng muốn tấn công đội phòng thủ. Động tác tranh cướp sau lưng đựơc cầu thủ sử dụng bằng kiểu xoạc chân phá bóng khi đối phương có bóng ở phía ttrước.
Động tác tranh cướp bóng bên cạnh được cầu thủ sử dụng khi hai người chạy song song, cầu thủ cướp bóng dùng vai va chạm để chiếm lợi thế, đoạt lại bóng của đối phương.
2.5.3.1. tranh cướp trước mặt
Khi đối phương đang khống chế bóng, không nên vội vã xô vào, cần thận trọng tiến tới gần đối phương cản hướng tấn công về hướng cầu môn đội mình. Hành động này làm đối phương phải giảm tốc độ và cầu thủ phòng thủ có khả năng chọn thời cơ thuận lợi để tranh bóng.
Khi đối phương vừa dùng chân chạm bóng thì cầu thủ tiến hành tranh cướp. Lúc đó, bóng rời xa, không chịu sự điều khiển của đối phương nên làm động tác tranh bóng sẽ lợi. Động tác cản đường bóng cần dứt khoát. Chân cứơp bóng bước mạnh và nhanh chắn đường bóng lăn; đồng thời chân sau đạp thật mạnh, bất ngờ, trọng tâm cơ thể dồn về trước đè lên chân cướp bóng làm cho thế đứng vững vàng, chắc chắn. Vị trí tiếp xúc bóng có thể bằng bất cứ bộ phận nào của chân, nhưng thường là lòng bàn chân. Đồng thời với động tác chặn bóng nên kết hợp va chạm hợp lý vào đối phương để đối phương mất thăng bằng tạo ưu thế cướp bóng.
Hiệu quả của động tác và tính an toàn phụ thuộc vào hàng động dứt khoát của cầu thủ, biết chọn thời cơ và không được thả lỏng cổ chân, đầu gối của chân tranh bóng. (hình 42).
2.5.3.2. tranh cướp sau lưng:
Kiểu tranh bóng này kỹ thuật khó và thường sử dụng khi không còn biện pháp nào khác.
- Thí dụ: đối phương đã dẫn bóng qua hoặc bóng ở xa không thể dùng thân người để va chạm được, lúc đó chỉ còn cách dùng động tác xoạc chân phá bóng khỏi tầm khống chế của đối phương.
Động tác phá bóng hợp lệ là chân xoạc chạm bóng. Nếu chân chạm bóng sau đó va chạm đối phương mà không thể tráng được thì không phạm lỗi. Nếu tranh cứơp bóng mà không chạm bóng mà chạm đối phương thì phạm lỗi.
Khi làm động tác phá bóng, nếu cầu thủ ở phía sau, bên phải đối phương có bóng thì dùng chân phải xoạc phá bóng, ở chân trái thì dùng chân trái (đôi khi có cầu thủ lại dùng chân đói diện để phá bóng, nhưng lúc này không còn là động tác xoạc đẩy nữa mà là lao người quạt chân phá bóng).
Thời cơ xoạc bóng là lúc đối phương đẩy bóng ra xa người và cầu thủ phá bóng lượng sức mình có thể dấn người xoạc chân tới bóng. Cầu thủ đạp mạnh chân, xoạc chân gần đối phương lướt mặt đất theo hướng bóng lăn.
Về vị trí tiếp xúc giữa chân và bóng có 2 cách:
- Khi xoạc bóng, mép ngoài bàn chân trượt trên mặt đất, dùng gan bàn chân đẩy bóng đi.
- Khi xoạc bóng, đầu gối hơi co, khi chân sắp chạm bóng, cầu thủ lăng cẳng chân ra ngoài, dùng má noài bàn chân hất bóng sang bên cạnh. Sau khi phá được bóng, lần lựot cẳng, chân, đùi, mông và cánh tay chạm đất. Động tác này phải nhịp nhàng để tránh bị chấn thương.
Phương pháp này có nhiều nhưng thường dùng là kiểu lấy thân va chạm hợp lệ làm đối phương mất thăng bằng và mất khử năng khống chế của bóng để cầu thủ có thể có điều kiện thuận lợi cướp lại bóng
Khi hai cầu thủ chạy song song, cầu thủ cướp bóng chờ thời cơ thuận lợi để hích vai: lauc chân đối phương phía cầu thủ cướp bóng rời mặt đất thì tiến hành hích vai. Hích lúc đó đối phương dễ mất thăng bằng vì khi lực hích lực đẩy ngang làm trọng tâm của đối phương lệch qua điểm chống (chân phía xa). Như thế để trở lại thăng bằng, chân vữa nhấc lên lại phải bước chéo về phía xa và vài bước sau phải tiếp tục điều chỉnh mới trở lại thăng bằng ổn định. Lúc dó, cầu thủ cướp bóng dễ dàng lấy lại bóng (hình 43).
Vị trí tiếp xúc: cầu thủ dùng một bên thân từ vai trở xuống để hích đối phương, tay (phái hích vai) ép sát vào thân, không được giơ ra hích hay đẩy đối phương.
2.6. Kỹ thuật ném biên:
2.6.1 Tầm quan trọng
Luật ném biên quy định:
Khi ném biên, mặt cầu thủ phải hướng vào trong sân, hai chân đặt ngoài hoặc có thể dẫm lên đường biên dọc, tuyệt đối không được đặt chân vào trong sân bóng. Trong suốt quá trình ném, hai chân không được rời mặt dất, hai tay cầm bóng ném từ sau ra trước qua đầu, động tác ném liên tục.
Mặc dù điều luật có nhiều ràng buộc và hạn chế; mặc dù phạm vi hoạt động của kỹ thuật tương đối hẹp (không biến hoá nhiều như kỹ thuật đá bóng, dẫn bóng). Nhưng động tác ném biên vẫn là một loại kỹ thuật cơ bản trong bóng đá. Trong một trận đấu, hai đội đá bóng ra ngoài biên dọc nhiều thì động tác ném biên được vận dụng nhiều. Nếu cầu thủ ném biên được ca và chính xác thì có thể tạo được nhiều cơ hội tấn công tốt. Có những cầu thủ nếm biên xa tới 35 – 40m, tương đương một quả chuyền bóng bằng chân. Đặt biệt là nếu ném biên gần khu phạt của đối phương mà ném được xa và chính xác thì hiệu lực của nó còn hơn quả phạt góc. Mặt khác, luật còn quy định cầu thủ trực tiếp nhận bóng ném biên không bị việt vị nên phạm vi họat động của cầu thủ đội tấn công rất rộng, gây khó khăn cho sự phòng ngự của đối phương.
Muốn đánh giá chất lượng động tác ném biên phải xuất phát từ 3 mặt sau: độ chính xác, tốc độ độ ném và độ xa. Nếu cầu thủ ném bóng hợp lý, động tác nhịp nhàng thì đó là cầu thủ ném biên tốt.
Một số đội bóng hay xem thường kỹ thuật động tác ném biên, chưa biết cách sử dụng kỹ thuật này để tổ chức tấn công. Huấn luyện viên cũng coi nhẹ kỹ thuật này nên tốc độ chú ý cho cầu thủ tập luyện. Trong tập luyện các kỹ thuật cơ bản của bóng đá cần sắp xếp thời gian để tập luyện nâng cao hiệu lực của kỹ thuật này.
2.6.2 Phương pháp và nội dung ném biên
Căn cứ vào động tác chyển bi trước khi ném biên có thể phân làm 2 loại ném biên:
- Đứng tại chỗ ném biên.
- Chạy đà ném biên.
Tuỳ theo yêu cầu chiến thuật (ném xa, gần, nhanh, chậm) mà cầu thủ có thể ném biên tại chõ hoặc lấy đà.
2.6.2.1. ném biên đứng tại chỗ
Tư thế cần bóng: hai bàn tay xoè tự nhiên, cầm chủ yếu là ở nửa phía sau của quả bóng. Hai ngón tay cái gần giao nhau.
- Tư thế chuẩn bị ném: cầu thủ đứng chân trước chân sau khoảng cách giữa hai chân chừng một bước (cũng có thể đứng hai chân song song, rộng ngang vai). Thông thường, các cầu thủ đứng chân trước chan sau vì như thế động tác ném bóng mạnh hơn do có tư thế cong người, dưa trọng tâm từ sau ra trước tương đối xa (chân để đứng chân trước – sau vững vàng theo trục trước sau, chân để đứng dạng hai bên chỉ vững theo trục ngang) đầu gói hai chân hợi khuỵu, hai tay cầu thủ cầm bóng đưa qua đầu, về phía sau cong khớp khuỷu để làm tư thế chuẩn bị.
Khi ném bóng, hai tay dùng sức vứt qua đầu về phía trên và phía trước (kết hợp các hoạt động của khớp vai, khuỷu tay và cổ tay). Thân người gập chuyển về trước, bụng hóp. Phối hợp với tay và thân là động tác đạp chân, khớp đầu gối, chuyển trọng tâm về phía trước. Độ xa của bóng sau khi ném còn phụ thuộc vào độ cao ra tay và góc độ ném (hình 44)
2.6.2.2. ném biên có đà
Nói chung, động tác ném biên có đà cũng tương tự như ném biên tại chỗ, nhưng do một số bước chạy đà, cơ thể có tốc độ lao lớn nên sự phối hợp động tác trở nên nhanh hơn và kó khăn hơn.
Mục đích chạy đà để ném biên xa hơn (cơ thể có tốc độ chuyển động ban đầu, khi ném kết hợp với động tác của tay sẽ có tốc độ tổng hợp cao hơn). Thông thường cầu thủ chạy đà 5 – 7m. Yêu cầu chạy nhịp nhàng, tốc độ chạy nhanh hay chạy chậm còn do muốn ném xa hay gần. Trong khi chạy, cầu thủ thường dùng 2 tay ôm bóng trước ngực. Đồng thời với bước chân cuối cùng chạm đất thì 2 tay đưa bóng qua đầu về phía sau, hai chân đứng trước sau, tạo thành tư thế chuẩn bị (cũng có cầu thủ khi chạy đà cầm bóng bằng 1 tay, tập luyện tới bước cuối cùng thì dùng cả 2 tay đưa bóng về sau. Do cầm bóng bằng 1 tay mà động tác chạy đà thoải mái hơn, dễ phát huy được tốc độ hơn).
Khi chạy đà nhanh, ném bóng xa, sau khi ném các cầu thủ thường làm động tác ngã sấp, người đổ về trước, hai tay chống đất hạ thân nằm sấp. Nhờ động tác này mà cầu thủ bảo đảm an toàn không bị phạm quy (nhấc chân để giữ thăng bằng khi chạy ném).
2.7. Kỹ thuật thủ môn:
2.7.1 Tầm quan trọng
Thủ môn là tuyến phòng ngự cuối cùng của toàn đội, có nhiệm vụ ngăn chặn mọi đợt tấn công cầu môn của đối phương.
Trong thời gian gần đây, lối chơi của thủ môn đã có những thay đổi quan trọng. Nếu như trước đây, thủ môn chỉ cần hoạt động trực tiếp trong cầu môn thì ngày nay, với sự phát triển của môn bóng đá, nhịp điệu hoạt động của thủ môn được mở rộng hơn nhiều và những yêu đặt ra trước thủ môn trở nên phức tạp hơn. Một thủ môn có kỹ thuật điêu luyện, dũng cảm, cơ thể phát triển toàn diện sẽ mang lại niềm tin tưởng mạnh mẽ cho toàn đội.
Cùng với sự phát triển của kỹ thuật bóng đá. Kỹ thuật thủ môn đã nâng lên đến đỉnh cao. Có thể nói rằng kỹ thuật thủ môn là một trong những nhân tố chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của kỹ thuật bóng đá: kỹ thuật của thủ môn càng tốt thì đòi hỏi đối phương phải có trình độ kỹ thuật cao hơn.
Quá trình phát triển của thủ môn bóng đá có liên quan tới kỹ thuật thủ môn.
Ở giai đoạn đầu của môn bóng đá hiện đại, các cầu thủ trên sân không được phân công nhiệm vụ rõ ràng, tất cả mọi người có thể tấn công hoặc phòng thủ và có thể dùng tay bắt bóng. Đến năm 1863, luật bóng đá (chưa có tính chát quốc tế) qucy định chỉ cần đưa bóng qua 2 cột dọc cầu môn thì được coi là ghi một bàn thắng (cầu môn không giới hạn độ cao). Do đó, tác dụng và vai trò của thủ môn chưa lớn. Đến năm 1870, luật bóng đá thế giới ra đời quy định mỗi đội tham gia thi đấu phải có thủ môn và chỉ có thủ môn mới được dùng tay điều khiển bóng. Quy định này không những thúc đẩy kỹ thuật bóng đá phát triển mà còn chỉ rõ tác dụng của thủ môn (lúc đó, thủ môn được dùng tay bắt bóng ở nửa sân mình). Cuối thế kỷ thứ XIX, luật bóng đá quy định độ cao của thủ môn và dùng đến ngày nay. Từ đó, thủ môn đảm nhận nhiệm vụ rất trọng đại. Thủ môn phải dùng tất cả các bộ phận cơ thể để bắt hoặc đấm tất cả các loại bóng do đối phương chuyền hay sút vào cầu môn; phải đá hoặc ném một cách chính xác những quả bóng bát được cho đồng đội, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tấn công.
2.7.2 Những đặc điểm thể chất và tâm lý của thủ môn
- Chiều cao thích hợp nhất của cầu thủ khoảng 175-185cm, thủ môn thấp không bắt được bóng cao bay vòng cung vào cầu môn, khó khăn khi tranh cướp bóng cao. Thủ môn quá cao thường kém độ dẻo và linh hoạt hơn, khó bắt những đường bóng tháp vào cầu môn.
- Trọng lượng cơ thể phải cân đối với chiều cao. Thủ môn nặng quá thiếu linh hoạt, nhẹ qúa dễ bị xô đẩy trong khu cầu môn.
- Vấn đề sức mạnh của cơ thể có liên quan với cân nặng. Đá bóng lên, ném bóng hoặc tranh cướp bóng đều không thể thiếu yếu tố sức mạnh. Một thủ môn to, khoẻ có sức mạnh cũng gây uy thế trước hàng tiền đạo của đối phương.
- Bóng không phải lúc nào cũng để thủ môn bắt dễ dàng, nhiều lúc phải nhảy lên để đẩy, bắt bóng cao, bật ngang để bắt, đẩy những đường bóng vào góc cầu môn xa vị trí đứng của mình, nên thủ môn cần có sức bật tốt.
- Trong thi đấu nhiều tình huống đòi hỏi thủ môn phải nhanh; nhiều tình huống mà thất bại hay thành công chỉ xảy ra trong giây lát, những tình huống rất bất ngờ của đường bóng đòi hỏi thủ môn phải phản ứng nhanh: do đó, phản xạ thủ môn phải tốt.
Thủ môn không có tố chất khéo léo sẽ không giải quyết được những tình huống khó khăn và đảm bảo an toàn cho cơ thể.
Thí dụ: những trường hợp cần ngã, bay để bắt bóng đều rất cần tố chất khéo léo của thủ môn. Ngoài ra tố chất dẻo cũng rất quan trọng. Những cơ khớp vì nặng nề sẽ gây trở ngại cho động tác của thủ môn.
- Sức bền của thủ môn không tốt thì hiệu suất thi đấu không cao. Trong thi đấu thủ môn phải chạy, nhảy, ngã, bắt bóng liên tục ơ các góc độ, các tầm, các hướng khác nhau. Do nhiệm vụ có tính chất toàn diện, thủ môn cần được chuẩn bị đầy đủ các tố chất thể lực.
Trên đây là những tố chất thể lực cần có của thủ môn, nhưng bản thân những tố chất đó chưa thể đáp ứng những hoạt động nhằm hoàn thành nhiệm vụ của thủ môn. Một thủ môn tốt cần có những yếu tố tâm lý nhất định sau đây:
- Dũng cảm: Đây là yếu tố tinh thần không thể thiếu đối với thủ môn. Vì trong lúc bảo vệ cầu môn nhiều tình huống nguy hiểm có thể xảy ra: Cần nhào bắt bóng khi đối phương lao tới, bay bắt bóng trên không, bắt những đường bóng căng, mạnh… Chính vì vậy mà yếu tố dũng cảm rất quan đối với thủ môn trong thi đấu.
- Sức mạnh ý chí: Cần phải có trong khi tập luyện cường độ cao, gian khổ trong việc từ bỏ những ham thích cá nhân để thực hiện nề nếp sinh hoạt tập luyện theo yêu cầu chung. Trong những trường hợp bị thua thủ môn cần biết tự chủ và đấu tranh để vượt qua, không bi quan, chán nản, gây nên sự kém tin tưởng của đồng đội.
- Quyết đoán: Khi thực hiện động tác, thủ môn không được phép lưỡng lự, phải dứt khoát kịp thời. Trong phòng ngự cũng như trong chỉ đạo toàn đội, thủ môn phải có sự quyết đoán nhạy bén và nhanh chóng.
Khả năng suy nghĩ nhanh để giải quyết tình huống cho thích hợp, cách bảo vệ cầu môn, cách can thiệp đúng lúc, kịp thời là điều không thể thiếu được ở bất kỳ thủ môn nào.
- Trạng thái thần kinh bình tĩnh: Trách nhiệm thủ môn rất lớn nên trong thi đấu bất cứ lúc nào cũng đòi hỏi thủ môn phải bình tĩnh. Chỉ trong trạng thái của thần kinh mới tận dụng mức tối đa của khả năng các tố chất. Nếu thủ môn nóng nảy, vội vàng sẽ phạm khuyết điểm trong nhiệm vụ bảo vệ cầu môn của mình hoặc ảnh hưởng đến tinh thần đồng đội.
- Năng lực chú ý: Thủ môn luôn luôn phải chú ý đến diễn biến của trận đấu kể cả khi bóng ở xa cầu môn. Khi bóng gần khu vực nguy hiểm cần phải chú ý nhiều hơn.
Bóng đá hiện đại mang nhiều yếu tố nhanh và bất ngờ thủ môn chỉ cần lơ là trong chốc lát sẽ bị nguy hiểm và dẫn dến thất bại của toàn đội khi để lỡ thời cơ hoặc ra vào không đúng lúc.
- Tự tin: Là đức tính rất cần thiết của thủ môn, vì vậy cần phải tập luyện đều đặn, chuẩn bị về mọi mặt đầy đủ nghiêm túc. Lòng tự tin làm cho thủ môn tăng cường tinh thần tự chủ trong mọi trường hợp và có tác động tích cầu thủ cực tới đồng đội trong thi đấu.
- Ngoài ra thủ môn còn có
năng lực chỉ đạo, không những chỉ đạo đội hoặc hàng phòng ngự làm tốt nhiệm vụ.
Để làm nhiệm vụ đó, thủ môn cần có năng lực chỉ đạo, cần có phẩm chất đạo đức
tốt và trình độ chuyên môn xứng đáng với lòng tin của đồng đội. Căn cứ vào
nhiệm vụ của thủ môn có thể chia kỹ thuật thủ môn làm hai loại:
- Kỹ thuật phòng thủ.
- Kỹ thuật hỗ trợ tấn công
2.7.2.1. kỹ thuật phòng thủ
Xuất phát từ nhiệm vụ chiến thuật của thủ môn, tuyến phòng thủ cuối cùng, nên kỹ thuật phòng thủ của thủ môn cũng chiếm vị trí quan trọng đặc biệt. Nó bao gồm mọi hành động của thủ môn nhằm ngăn chặn, cản phá các đợt tấn công của đối phương vào cầu môn như di chuyển vị trí, bắt bóng, đấm bóng, vồ bóng…
2.7.2.1.1. Hoạt động không bóng
Tư thế đứng: trong thi đấu, thủ môn thường ở trạng thái chuẩn bị di động, chuẩn bị bắt bóng. Để bảo đảm kết quả phòng thủ, việc chộn tư thế đứng là cần thiết.
Tư thế đứng chính xác của thủ môn là hai chân dạng rộng bằng vai hay hơn một chút, gối hơi khuỵu, trọng tâm nằm giữa hai chân, hai gót kiễng lên, dồn trọng tâm vào hai mũi chân. Hai tay hơi khép và đưa tự nhiên ra trước, các ngón tay mở tự nhiên, lòng bàn tay úp xuống, mắt nhìn bóng. Tuy nhiên, không phải 90 phút của trận đấu, thủ môn đều đứng như vậy mà chỉ khi đối phương có bóng bên nửa sân mình, đặc biệt là đối phương đang hoạt động gần cấm địa thì thủ môn phải bảo đảm tư thế này.
Do vị trí bóng và hướng bóng luôn thay đổi nên buộc vị trí đứng của thủ môn cũng phải theo đó mà thay đổi. Phương pháp di động của chân có hai loại:
- Di động trượt hai chân đuổi nhau, lúc di động, mũi chân hướng về bóng. Nếu như di động về bên phải thì chân phải bước trước. Khi di động, bước phải ngắn để có thể làm động tác khác một cách nhanh chóng. Loại di động này được sử dụng lúc thay đổi phương hướng.
- Di động chạy chéo bước chân (cắt kéo). Bước thứ nhất bước bước qua phía trước chân kia về phía bên, bước thứ hai chân đạp đất, cho cơ thể bay trên không. Loại di động này thường dùng khi thủ môn làm động tác bắt bóng trên cao ở bên cạnh.
2.7.2.1.2. Hoạt động có bóng
- Hai chân đứng song song, chếch nhau 10cm, mũi chân hướng về trước, thân hơi ngả về trước, hai tay thả xuống tự nhiên, hai lòng bàn tay hướng về bóng để đón bóng. Khi hai bàn tay đã cầm bóng, hai cẳng tay co ôm chắc bóng trước ngực (hình 45)
- Hai chân đứng trước sau hơi lệch với hướng bóng đến. Trọng tâm có thể rơi vào chân trước, mũi chân hơi xoay ra ngoài. Lúc bắt bóng, chân trước khuỵu nhiều, chân sao co lại thành tư thế quỳ (cách mặt đất 10cm), đầu gối nối tiếp với gót chân trước.
Động tác tay giống như loại bắt bóng trên:
Ở động tác bắt bóng này, tư thế tay cũng giống như động tác bắt bóng sệt, than người phải đối diện với bóng để phòng khi bắt bóng không chắc thì dùng cơ thể đỡ bóng (hình 46).
Bắt bóng cao chia làm 2 loại: đứng tại chỗ bắt bóng và nhảy lên bắt. Lúcc bắt bóng, hai tay giơ lên và hơi co, lòng bàn tay hướng về phía trước, các ngón tay xoè ra, hai ngón cái gần nhau tạo thành một cái “túi”. Nếu nhảy bắt bóng có thể dậm nhảy một chân hoặc hai chân. Yếu lĩnh động tác dậm nhảy giống như động tác dậm nhảy đánh đầu. Sau khi bắt bóng xong lập tức co hai tay lại ôm chắc bóng trước ngực (hình 47, 48).
Nếu dậm nhảy bằng một chân thì khi rơi xuống đất phải để chân dậm nhảy rơi xuống trước và chân kia rơi tiếp theo. Dậm nhảy một chân ngoài yêu cầu chân dậm nhảy dùng lực đạp đất còn gối chân kia phải co lại và đánh lên trên, phối hợp với động tác toàn thân, tăng sức bật nhảy. Cơ thể trên không cũng phải duy trì tư thế này để yểm hộ cho bóng, phòng ngừa sự xô đẩy hợp lệ của đối phương.
Sau khi chân dậm nhảy rơi xuống đất, chân kia hạ xuống phía trước chân dậm nhảy. Trong tâm cơ thể di động về chân trước, đồng thời người hơi khom, ôm chắc bóng trước ngực. Động tác này vừa bảo vệ được bóng, vừa tạo điều kiện cho việc làm động tác kế tiếp.
Thủ môn gặp đường bóng cao, căng hoặc khi khu vực gần cầu môn hỗn loạn, không thể nào bắt được bóng thì dùng nắm tay đấm bóng đi. Thủ môn phán đoán đường bóng, di chuyển rồi dậm nhảy bằng hai chân hay một chân. Động tác dậm nhảy giống như động tác dậm khi bắt bóng trên cao. Trước khi dậm nhảy đã phải phán đoán đúng điểm rơi của bóng. Trong khi dậm nhảy, hai bàn tay nắm lại thành quả đấm chụm, úp lòng bàn tay vào nhau. Lúc bóng đến, lập tức duỗi thg hai cánh tay đấm bóng (diện tiếp xúc của tay là 10 đốt ngón tay nhất). Lúc bóng đến với góc độ lớn thì có thể dùng động tác đấm một tay vì phạm vi hoạt động của một tay tương đối rộng và linh hoạt (hình 49).
Nếu đối phương sút bóng vào hai bên cầu môn mà không thể dùng các phương pháp khác như đứng tại chỗ hoặc nhảy lên thì người ta dùng đến phương pháp vồ bắt bóng.
Lúc vồ bóng sệt thì phải làm động tác chuẩn bị sau đó dùng phương pháp di động hai bên (bước trượt hoặc cắt kéo). Khi bước cuối cùng rơi xuống đất thì dùng mũi chân đạp đất (còn chân kia đánh lên trên để hỗ trợ, tăng sức bật) lao người sang một bên. Hai bàn tay duỗi thẳng, một bàn tay đưa ra cản bóng còn lòng bàn tay kia thì úp xuống kẹp chắc phần sau (hơi nhích lên trên) quả bóng và cần chắc bóng trong 2 tay. Vồ bắt bóng cao, trung bình, yếu lĩnh động tác cũng giống như vồ bắt bóng lăn sệt chỉ khác là thân người bay cao hơn. Sau khi bắt được bóng trên không lập tức ôm bóng vào ngực, cho cánh tay phía dưới sát vào thân rơi xuống đất, hai chân co vào (hình 50).
Khi thủ môn đã làm động tác lao người bắt bóng do đường bóng cao, mạnh hoặc xa quá không thể nào bắt dính được thì dùng phương pháp này.
Yếu lĩnh động tác về đấm bóng và vồ bắt bóng tương tự như nhau. Chỉ có khác là lúc đấm bóng, thủ môn dùng cùi tay hoặc nắm tay đấm bóng. Động tác rơi xuống đất là tuỳ theo thói quen của từng thủ môn; nhưng khi đấm bóng xong yêu cầu đứng dậy càng nhanh càng tốt.
Thủ môn thường dùng phương pháp này đẩy bóng bay ra biên ngang (hoặc ngoài cầu môn). Lúc lao ra đẩy bóng, thân người không nên cách xa vạch cầu môn quá, nếu không có thể đẩy bóng vào cầu môn. Động tác đẩy bóng có thể dùng bằng cùi tay hoặc nắm tay.
Trong tình huống nguy ngập mà thủ môn không kịp dùng tay bắt bóng thì chỉ còn cách dùng động tác này. Thủ môn có thể đá thẳng lên, nhưng tốt nhất là đá sang hai bên. Khi đối phương ồ ạt tấn công khu trung lộ thì đá sang hai bên tránh được nguy hiểm có thể bóng chạm vào đối phương bật vào cầu thủ …
Trong khu phạt, thủ môn được dùng tay dẫn bóng. Luật bóng đá quy định thủ môn không được đập bóng nhiều lần (cầm bóng chạy không quá 4 bước) nên thủ môn tận dụng lần dẫn bóng đó để thoát khỏi đối phương kèm, dễ dàng phát bóng, để dẫn bóng ra gần vạch 16m50 nhằm phát bóng tấn công xa hơn. Muốn bảo đảm chắc chắn, thủ môn đập bóng và bắt bóng nảy lên bằng hai tay, đồng thời khi cầm bóng chạy, phải quan sát tình hình trên sân. Khi có đối phương kèm, thủ môn thường phối hợp dẫn bóng với động tác giả để thoát người. Trong một vài trường hợp, khi đối phương ở xa, thủ môn có thể dùng chân dẫn bóng.
2.7.2.2. kỹ thuật hỗ trợ tấn công
Khi thủ môn bắt được bóng hoặc phát bóng từ cầu môn lên, nếu chuyền được nhanh, chính xác và vào vị trí thích hợp cho đồng đội thì rất có lựi cho đợt tấn công của đội mình. Các kỹ thuật hỗ trợ tấn công của cầu thủ bao gồm:
Thủ môn sau khi bắt bóng, đứng chân trước chân sau, khuỵu gối hạ thấp trọng tâm, dùng một tay cầm bóng đưa xuống dưới và về sau, thân người ngả về trước. Sau đó, dùng lực vai và tay vung thành một đường vòng cung về phái trước, ném bóng lăn sệt dưới đất. Động tác này thường dùng để ném cho đồng đội ở gần, độ chính xác cao và đồng đội dễ nhận bóng (hình 51).
Thủ môn sau khi bắt bóng, đứng chân trước chân sau, đầu gối hơi khuỵu, một tay cầm bóng đưa lên trên và về sau cao bằng vai hay cao hơn vai. Sau đó, dùng sức của cơ vai, cánh tay, cẳng tay, cổ tay, lưng bụng ném bóng bay xa, phối hợp với sức đạp của chân. Ném bằng động tác này cũng chính xác, nhanh và có thể ném xa hơn 40m (hình 52).
- Đá bóng chết: Thủ môn đặt bóng ở góc trên khu cầu môn, có thể dùng mũi chân, mu trong, mu giữa phát bóng lên trên. Tuỳ theo tình huống trên sân mà thủ môn phát bóng xa, gần, nhanh, chậm, để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng đội nhận bóng. Cũng có khi thủ môn dùng lòng bàn chân đá bóng ra ngoài khu cấm địa để nhận bóng do đồng đội chuyền lại, phát bóng động.
- Phát bóng động: Sau khi bắt được bóng, thủ môn có thể chạy không quá ba bước rồi phát bóng động. Việc chạy đà ba bước rồi phát bóng nhằm tăng tốc độ để thủ môn có điều kiện thuận lợi phát bóng xa và mạnh. Khi hết bước thứ 3, thủ môn tung bóng về trước cao ngang ngực và lúc bóng vừa nảy khỏi mặt đất thì thủ môn đá nửa nảy. Động tác đá nửa nảy có thể làm bóng bay rất xa nhưng thủ môn ít dùng khi sân không bằng phẳng hoặc niều nước vì như vậy, việc phán đoán điểm tiếp xúc khi bóng nảy lên thiếu chính xác.
Thủ môn cũng có thể tung bóng và đá
bóng trên không. Động tác này mất nhiều sức và không thuận lợi bằng đá nửa nảy
nhưng tránh được ảnh hưởng của sân bãi.
Để lại một phản hồi